Châu Âu khởi động "tuần lễ biểu tình"

Tại nhiều thành phố trên khắp châu Âu, hàng trăm nghìn người dân đã đổ xuống các đường phố, khởi động "tuần lễ biểu tình" trước Hội nghị thượng đỉnh G-20 (Nhóm các nước phát triển và mới nổi) sẽ họp tại London (Anh) vào ngày 2/4.

Tại nhiều thành phố trên khắp châu Âu, hàng trăm nghìn người dân đã đổ xuống các đường phố, khởi động "tuần lễ biểu tình" trước Hội nghị thượng đỉnh G-20 (Nhóm các nước phát triển và mới nổi) sẽ họp tại London (Anh) vào ngày 2/4.

Cuộc biểu tình nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động để giảm tỷ lệ nghèo đói, thất nghiệp và biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp tới "miếng cơm manh áo" của hàng trăm triệu người trên toàn cầu.

Tại Đức, theo lời kêu gọi của Liên minh những người chỉ trích quá trình toàn cầu hóa, Liên hiệp công đoàn và các tổ chức cánh tả ở Đức, khoảng 55.000 người đã xuống đường tuần hành tại hai thành phố lớn Berlin và Frankfurt để phản đối các chính sách đối phó với khủng hoảng kinh tế của chính phủ nước này.

Đây là cuộc tuần hành quy mô lớn chưa từng có do một liên minh rộng rãi gồm các tổ chức công đoàn, tổ chức môi trường, cứu trợ và các đảng phái cảnh tả ở Đức tổ chức.

Với khẩu hiệu "Chúng tôi không phải là những người trả tiền cho cuộc khủng hoảng", những người tham gia tuần hành đã phản đối các chính sách và biện pháp của Chính phủ Đức trước cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế hiện nay, cho rằng những biện pháp này đang gây khó khăn cho người có thu nhập thấp trong xã hội.

Trong khi đó, tại Anh, nước đăng cai Hội nghị G-20, khoảng 35.000 người đã xuống đường tham gia tuần lễ biểu tình "việc làm, công lý và khí hậu" tại thủ đô London với khẩu hiệu "hãy đặt con người lên vị trí hàng đầu"(Put People First).

Cuộc biểu tình đã thu hút khoảng 150 tổ chức tham gia, trong đó có các tổ chức công đoàn, từ thiện, những nhà hoạt động môi trường và nhiều tổ chức xã hội khác. Cuộc biểu tình trên chủ yếu nhằm vào giới chủ các ngân hàng và công ty tài chính, những người bị buộc tội gây ra suy thoái toàn cầu.

Cảnh sát London đã triển khai chiến dịch bảo vệ an ninh lớn do được cảnh báo về những mối đe dọa "không báo trước" từ những người tham gia biểu tình. Tuy nhiên, cho đến chiều cùng ngày, cuộc biểu tình đã diễn ra hòa bình và không xảy ra bạo động.

Cùng lúc, tại Italy, khoảng 6.000 người, phần lớn là sinh viên và các thành viên công đoàn, đã tuần hành qua nhiều đường phố ở Roma, phản đối cuộc họp của các bộ trưởng lao động Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) đang diễn ra tại thành phố này.

Những người biểu tình mang theo nhiều tranh cổ động, áp phích với khẩu hiệu: "Chúng tôi không phải là những người trả giá cho cuộc khủng hoảng", "Hãy trả lại tiền cho chúng tôi"...

Còn tại Vienna (Áo), cảnh sát ước tính có khoảng 6.500 người tuần hành ở thủ đô, mang theo những khẩu hiệu ghi rõ: "Hãy bắt những người giàu phải trả giá", "Thủ tiêu chủ nghĩa tư bản"...

Tại nhiều nước khác ở châu Âu, như Pháp và Thụy Sĩ, các cuộc biểu tình tương tự cũng đã diễn ra, yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới phải chịu trách nhiệm và đưa ra những quyết định đúng đắn nhằm giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đối với người dân, đặc biệt là những người nghèo.

Đoàn người biểu tình trên khắp châu Âu kêu gọi lãnh đạo các nước thuộc G-20 đưa ra những biện pháp tích cực, đặt nền móng cho một thế giới tốt đẹp và thịnh vượng hơn, trong đó mọi người đều có đủ "cơm ăn, áo mặc", có nhà để ở và được chăm sóc y tế đầy đủ.

Những người biểu tình cũng bày tỏ sự tức giận với cách thức các chính phủ đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, cho rằng cuộc khủng hoảng này không phải là một "thảm họa thiên nhiên", mà là do sự thiếu trách nhiệm và hành động coi thường của một bộ phận kinh tế gây ra, khiến những người dân vô tội phải gánh chịu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục