Châu Âu tăng cường chống các bệnh không lây nhiễm

40 nước châu Âu cam kết tăng cuộc chiến chống các căn bệnh không lây nhiễm đang có nguy cơ tăng nhanh, đe dọa tăng trưởng kinh tế.
Ngày 25/11, tại Hội nghị tư vấn diễn ra ở thủ đô Oslo của Na Uy dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 40 nước châu Âu đã cam kết tăng cường cuộc chiến chống các căn bệnh không lây nhiễm (NCD) đang có nguy cơ tăng nhanh, đe dọa tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động xã hội ở châu lục này.

Theo WHO, 4 căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất là các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và bệnh phổi mãn tính, đã trở thành những ưu tiên y tế cao nhất của châu Âu trong thập kỷ này.

Giải quyết vấn đề không lây nhiễm là ưu tiên của mọi chính phủ châu Âu, vì các bệnh này thường gắn với các nhân tố hiểm họa chung như hút thuốc, lạm dụng rượu, béo phì và lười vận động.

Chi phí cho các bệnh không lây nhiễm này hiện đã chiếm tới 77% tổng chi phí y tế, đe dọa sự bền vững của hệ thống y tế châu Âu.

Bà Zsuzsanna Jakab, Giám đốc WHO ở khu vực châu Âu, nhấn mạnh châu Âu cần đối phó khẩn cấp với nguy cơ các bệnh không lây nhiễm đang tăng lên và cần huy động tất cả các khu vực xã hội cùng phản ứng đồng bộ, đa ngành và trên quy mô rộng.

Các nước châu Âu cần đi đầu trong nỗ lực chống các căn bệnh không lây nhiễm. Hội nghị tư vấn Oslo tập trung vào các thách thức phát triển, nhu cầu quan trọng phải giải quyết các bất bình đẳng về y tế và các nhân tố xã hội tác động đến y tế. Gánh nặng chi phí y tế cao và đang tăng lên do các bệnh không lây nhiễm đang trở thành vấn đề lớn của các nhà hoạch định chính sách không chỉ của châu Âu, mà cả toàn cầu.

Hội nghị cấp cao toàn cầu của Liên hợp quốc về bệnh không lây nhiễm vào năm 2011 và Hội nghị tư vấn của châu Âu ở Oslo là cơ hội quan trọng để các nước châu Âu và thế giới thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thông báo thế giới đã gần loại trừ được bệnh phong và coi đó là một vấn đề của y tế công, vì trong hai thập kỷ qua ngành y tế đã giải quyết được 90% căn bệnh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục