Châu Phi có bị bỏ quên trong cuộc chiến chống dịch COVID-19?

Liệu một thế giới vốn đang đầy khó khăn và đang phải vật lộn để đối phó với những tác động kinh tế của dịch COVID-19 có dành một phần nguồn lực để cứu châu Phi hay không là một câu hỏi rất lớn.
Châu Phi có bị bỏ quên trong cuộc chiến chống dịch COVID-19? ảnh 1Nhân viên y tế phát dung dịch khử trùng tay tại một bến xe khách tại thủ đô Pretoria, Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Trang mạng issafrica.org (Viện Nghiên cứu an ninh Nam Phi) mới đây đăng bài phân tích về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ châu Phi đối phó với dịch COVID-19 và tác động kinh tế của đại dịch đối với lục địa.

Theo Goldman Sachs, đối mặt với một kẻ thù vô hình nhưng đầy nguy hiểm, nền kinh tế toàn cầu có khả năng giảm 1,8% trong năm nay, với kinh tế Mỹ giảm 6,2% và châu Âu giảm 9%, Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 3% (so với 6,1% năm 2019).

Nền kinh tế Nam Phi dự kiến sẽ giảm 4% và nền kinh tế phía Nam Sahara châu Phi sẽ chỉ tăng trưởng 1,5%.

Giáo sư kinh tế học phát triển Ricardo Hausmann, thuộc Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy (Đại học Harvard), nhận xét các nước châu Phi và các nước đang phát triển khác sẽ hứng chịu đồng thời nhiều cú sốc: Dịch COVID-19, sự sụt giảm các nguồn thu từ nước ngoài do sự sụp đổ về giá cả hàng hóa, du lịch và có thể là kiều hối, cũng như sự sụp đổ trong việc tiếp cận thị trường vốn.

“Họa vô đơn chí” - châu Phi dường như sẽ không có khả năng giao dịch theo Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), dự kiến bắt đầu được thực thi từ ngày 1/7.

Châu Phi vẫn chưa phải gánh chịu hậu quả tàn khốc nhất của đại dịch COVID-19. Số liệu mới nhất cho thấy toàn châu lục ghi nhận gần 6.400 ca nhiễm COVID-19 và 236 người tử vong do đại dịch.

[Nigeria, Gambia xác nhận có ca tử vong đầu tiên do virus SARS-CoV-2]

Nhưng bức tranh về tác động của COVID-19 ở châu Phi có lẽ là u ám và không rõ ràng nhất so với bất kỳ nơi nào bởi lục địa đang thiếu hụt nghiêm trọng các bộ xét nghiệm COVID-19.

Tuần trước, Jack Ma và Quỹ Alibaba (Trung Quốc) đã quyên tặng 1,5 triệu bộ xét nghiệm virus SARS-COV-2 và 100 tấn thiết bị phòng chống và kiểm soát COVID-19 cho Liên minh châu Phi (AU).

Các nhà dịch tễ học đặc biệt lo ngại rằng dịch COVID-19, phần lớn lây lan tới châu Phi thông qua những người trở về từ châu Âu, Trung Quốc và Mỹ, có thể lây lan nhanh chóng và bùng phát tại các khu định cư không chính thức đông đúc, khiến hệ thống y tế yếu kém của châu lục nhanh chóng sụp đổ.

Mặc dù vậy, nhân khẩu học châu Phi vẫn còn là một cái gì đó đầy bí ẩn. Tuần trước, Đại học Hoàng gia London dự báo các kịch bản cho khu vực phía Nam Sahara châu Phi, với số người thiệt mạng do COVID-19 có thể lên tới 2,4 triệu nếu chính phủ các nước này không thực hiện các biện pháp cần thiết hoặc có thể ở mức 298.000 trường hợp nếu các nước đồng loạt áp dụng các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ, trong đó có việc phỏng tỏa chung và phong tỏa sớm.

Mức độ tử vong ước tính theo các kịch bản đó vẫn sáng sủa hơn so với tất cả các khu vực khác, nhờ tỷ lệ dân số trẻ hơn của châu Phi và các chỉ dấu cho thấy người cao tuổi dễ mắc COVID-19 hơn.

Tất nhiên, dự báo của Đại học Hoàng gia London có thể quá cao. Bản thân các nhà khoa học này cũng thừa nhận rằng dự đoán đó mang tính chung nhất, bởi vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về cách thức hoạt động của dịch COVID-19 trong các môi trường khác nhau.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế châu Phi, mang tính trực tiếp về chi phí y tế và gián tiếp về tác động kinh tế trong nước và quốc tế.

Châu Phi sẽ đối phó với dịch COVID-19 như thế nào? Ở các nước giàu hơn, các nhà hảo tâm đã cam kết hỗ trợ rất lớn, chẳng hạn ở Nam Phi, các cá nhân Patrice Motsepe, Johann Rupert và Nicky Oppenheimer mỗi người đã ủng hộ hơn 60 triệu USD, tập đoàn Naspers ủng hộ hơn 90 triệu USD; tại Nigeria, Femi Otedola ủng hộ 2,6 triệu USD và Aliko Dangote ủng hộ hơn 520.000 USD.

Các nước châu Phi giàu hơn cũng đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ, chẳng hạn Botswana đã đảm bảo các khoản vay từ ngân hàng thương mại và cam kết trợ cấp tiền lương cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Phần lớn các nước châu Phi còn lại sẽ phải trông chờ vào sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế.

Giáo sư Ricardo Hausmann (Trường Harvard Kennedy) khuyến nghị các nước châu Phi cần cẩn trọng trước tác động tài chính ngắn hạn của dịch COVID-19 và cần tạm dừng tất cả các khoản chi tiêu tài chính khác và vay bất cứ khoản nào, từ bất kỳ nguồn nào có thể để cứu trợ người dân và nền kinh tế.

Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang tạm thời đình chỉ quy tắc cho vay thông thường (chỉ dành cho phát triển cơ sở hạ tầng), thông qua việc vừa quyết định khoản vay lớn nhất từ trước đến nay lên tới 1 tỷ USD giúp Trung Quốc thúc đẩy các thiết bị và dịch vụ y tế, đồng thời sẵn sàng mức hỗ trợ tương tự cho Nam Phi.

Ở cấp độ châu lục, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) của AU đang khẳng định vai trò dẫn dắt thông qua đào tạo tăng cường và cung cấp trang thiết bị cho các quốc gia cần trợ giúp nhất. Tuần trước, các bộ trưởng tài chính châu Phi đã kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) và các ngân hàng phát triển khu vực cùng phối hợp với cộng đồng quốc tế cung cấp gói viện trợ 100 tỷ USD để giúp đỡ châu Phi phòng chống COVID-19.

Gói viện trợ 100 tỷ USD trên sẽ bao gồm hỗ trợ ngân sách, các cơ sở tín dụng gia hạn và ngay lập tức xóa bỏ tất cả các khoản thanh toán lãi đối với tất cả các khoản nợ ước tính trị giá khoảng 44 tỷ USD trong năm 2020 và với khả năng gia hạn sau đó.

Các bộ trưởng tài chính châu Phi cũng kêu gọi hỗ trợ cho khu vực tư nhân, bao gồm cả việc ngay lập tức xóa bỏ tất cả các khoản thanh toán lãi và bơm thanh khoản qua các ngân hàng trung ương để duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp và cứu việc làm.

Đồng thời, các nước châu Phi cũng yêu cầu trợ giúp tài chính để củng cố các hệ thống y tế, cũng như nới lỏng việc đóng cửa biên giới và hạn chế xuất khẩu để duy trì việc cung cấp các loại thuốc và thực phẩm thiết yếu.

Ngày 26/3, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, với vai trò Chủ tịch AU năm 2020 đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Văn phòng AU, khẳng định tán thành ủng hộ các khuyến nghị của các bộ trưởng tài chính AU và quyết định thành lập 5 lực lượng đặc biệt của 5 khu vực (RECs) thuộc AU nhằm điều phối ứng phó của lục địa với dịch COVID-19.

Năm quốc gia có mặt tại hội nghị trực tuyến trên, gồm Nam Phi, Ai Cập, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mali và Kenya, đã quyết định thành lập Quỹ ứng phó với dịch COVID-19 châu Phi và các nước này đã lập tức bơm 20 triệu USD vào quỹ mới thành lập.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến về ứng phó với dịch bệnh diễn ra cùng ngày sau đó, Tổng thống Ramaphosa đã kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp châu Phi thông qua “gói kích thích kinh tế mạnh mẽ.”.

Phát biểu trước báo giới sau hội nghị G20, Chủ tịch AU năm 2020 cho biết mặc dù chưa có quyết định “chủ chốt” nào được đưa ra đối với kêu gọi của châu Phi, nhưng “tình cảm, các quan điểm và lập trường” của nhiều nước, đặc biệt là Đức, Pháp, Canada và Nga, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với châu Phi.

John Kirton và Brittaney Warren thuộc Nhóm nghiên cứu G20 đã chỉ trích G20 - nhóm đại diện cho hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới - do đã không cụ thể hóa “cam kết xóa nợ cho những nước nghèo nhất theo cách có thể cung cấp các quỹ hỗ trợ y tế rất cần thiết cho những bên tiếp nhận đang phải chịu áp lực rất lớn.”

Các tác động của dịch COVID-19 có thể trầm trọng thêm bởi một số nhà lãnh đạo có khuynh hướng độc đoán sử dụng đại dịch này như cái cớ để trì hoãn thêm các cuộc bầu cử.

Vẫn có những tín hiệu tích cực hơn, các quốc gia như Nam Phi và Botswana đang cho thấy sẽ sử dụng khủng hoảng này để thực hiện các cải cách kinh tế cần thiết nhưng đầy khó khăn về mặt chính trị.

Yêu cầu thế giới giúp đỡ vào thời điểm khủng hoảng có vẻ như là kịch bản lặp lại và quá quen thuộc của châu Phi. Tuy nhiên, đây là thời điểm khẩn cấp thực sự và mọi nỗ lực cần phải nhanh chóng được huy động.
Colin Coleman - thành viên cao cấp tại Viện Các vấn đề toàn cầu Jackson, thuộc Đại học Yale và cựu Giám đốc điều hành của Goldman Sachs khu vực phía Nam Sahara châu Phi, đánh giá rằng nếu để châu Phi phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch COVID-19 thì cả thế giới cũng sẽ phải gánh chịu.

Sự sụp đổ của các nền kinh tế châu Phi có thể châm ngòi hoặc làm trầm trọng thêm sự bất ổn xã hội và chính trị, trong đó có vấn đề khủng bố. Những tác động trên, bao gồm cả di cư gia tăng, sẽ vượt ra khỏi biên giới châu Phi.

Liệu một thế giới vốn đang đầy khó khăn và đang phải vật lộn để đối phó với những tác động kinh tế của dịch COVID-19 có dành một phần nguồn lực để cứu châu Phi hay không là một câu hỏi rất lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục