Chia sẻ kinh nghiệm Chính phủ điện tử ở Việt Nam

Hội thảo Ứng dụng CNTT trong Chính phủ điện tử, tổ chức ngày 6/6, ở Hà Nội, để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về quản lý Nhà nước.
Ngày 6/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn Indra của Tây Ban Nha tổ chức Hội thảo Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử, nhằm tạo cơ hội cho các chuyên gia trong nước và thế giới chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước và đời sống xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, ở Việt Nam đa số các cơ quan Nhà nước sử dụng thư điện tử trong hoạt động chỉ đạo điều hành, tăng cường phương tiện điện tử thay cho giấy tờ. Nhiều cơ quan sử dụng hệ thống quản lý văn bản và trao đổi văn bản trên môi trường mạng, giúp năng suất lao động cao hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2012 về thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử, Việt Nam đứng thứ 83 trên thế giới.

Báo cáo của Cục Ứng dụng công nghệ thông tin cho thấy, hiện nay tỷ lệ cán bộ ở các cơ quan cấp bộ, cơ quan ngang bộ được trang bị máy tính là 88,5%; trong đó 88,37% máy tính kết nối Internet. Phần lớn các bộ và các tỉnh, thành phố có trang/cổng thông tin điện tử riêng. Đây là nền tảng thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, phần lớn nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan hiện nay phục vụ nhu cầu cục bộ của mỗi cơ quan, thiếu sự kết nối với nhau. Vì vậy, Việt Nam đang tích cực hiện thực hóa một số công việc để xây dựng Chính phủ điện tử như xây dựng một chính phủ kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước bằng cách truy cập thông tin dịch vụ trên internet mọi lúc, mọi nơi; hỗ trợ thanh toán điện tử; chia sẻ thông tin giữa các cơ quan; xây dựng hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc….

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong việc xây dựng chính phủ điện tử ở các nước châu Âu và Mỹ. Theo đó, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí và tính quan liêu trong hành chính, một số nước đã xây dựng các mô hình Chính phủ điện tử cho phép công dân thực hiện các thủ tục hành chính, đăng ký cấp phép, trả các loại phí, thuế… thông qua trang/cổng thông tin điện tử hoặc điểm truy cập điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan quản lý.

Việc lưu trữ các văn bản cũng được thực hiện bằng phương thức lưu trữ điện tử, hủy văn bản giấy… Song, để phát triển được các dịch vụ này, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần xây dựng một nền tảng cơ sở hạ tầng đủ mạnh để đảm bảo tính an toàn, bảo mật của thông tin cũng như vận hành được hệ thống Chính phủ điện tử dễ dàng, tiện lợi./.

Việt Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục