Chiếc ghế tổng thống Liban tiếp tục bị bỏ trống suốt 18 tháng

Chiếc ghế tổng thống Liban tiếp tục bị bỏ trống sau khi Quốc hội nước này một lần nữa không bầu được tổng thống mới do không đủ số nghị sỹ tham gia bỏ phiếu theo hiến định.
Chiếc ghế tổng thống Liban tiếp tục bị bỏ trống suốt 18 tháng ảnh 1Một buổi họp của Quốc hội Lebanon ở trung tâm Beirut. (Nguồn: AFP)

Chiếc ghế tổng thống Liban tiếp tục bị bỏ trống sau khi Quốc hội nước này một lần nữa không bầu được tổng thống mới do không đủ số nghị sỹ tham gia bỏ phiếu theo hiến định.

Chỉ có 40 nghị sỹ có mặt tại phiên họp ngày 11/11, trong khi Hiến pháp Liban quy định phải có tối thiểu 2/3 số đại biểu trong quốc hội gồm 128 thành viên dự họp mới có thể tiến hành bỏ phiếu bầu tổng thống. Đây là lần thứ 31 cơ quan lập pháp Liban không thể tìm ra người kế vị ông Michel Suleiman đã mãn nhiệm từ tháng 5/2014.

Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri ra thông báo hoãn phiên họp và kêu gọi triệu tập một phiên họp mới vào ngày 2/12 tới để tiến hành bỏ phiếu lại.

Như vậy, chiếc ghế tổng thống Liban đã bị bỏ trống suốt 18 tháng qua, sau khi nhà lãnh đạo Suleiman kết thúc nhiệm kỳ 6 năm hồi tháng 5/2014. Sự chia rẽ giữa hai phe phái chính trị chính ở Liban đã cản trở cuộc bỏ phiếu.

“Liên minh 14 tháng 3” ủng hộ người đứng đầu lực lượng vũ trang Liban Samir Geagea trong khi “Liên minh 8 tháng 3” ủng hộ Chủ tịch Phong trào Yêu nước Tự do Michel Aoun vào vị trí này.

Các nghị sỹ thuộc “Liên minh 8 tháng 3,” do phong trào Hezbollah dẫn đầu, đã tẩy chay các phiên họp quốc hội bầu tổng thống mới do không nhất trí về ứng cử viên do “Liên minh 14 tháng 3,” đại diện cho cộng đồng Cơ đốc giáo dòng Maronite, đề xuất.

Ngày 11/11, nhà lãnh đạo Sayyed Hassan Nasrallah của phong trào Hezbollah đại diện chi người Hồi giáo dòng Shiite đã kêu gọi “một giải pháp chính trị toàn diện” và đề xuất tiến hành các “cuộc thương lượng 2, 3 hoặc 4 bên” để thảo luận các vấn đề liên quan đến tổng thống, thủ tướng, cơ cấu chính phủ và luật bầu cử.

Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Liban, tổng thống sẽ là người Cơ đốc giáo dòng Maronite, chủ tịch quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite và thủ tướng là người Hồi giáo dòng Sunni./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục