Chiến thắng của Taliban ở Afghanistan: Hồi chuông cảnh báo ASEAN

Theo Ngoại trưởng Singapore, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan là những mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu trong khu vực ASEAN, dù vụ việc tại Afghanistan có xảy ra hay không.
Binh sỹ Philippines trong chiến dịch truy quét phiến quân ở Mindanao. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng asia.nikkei.com, việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan là hồi chuông cảnh báo đối với các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á cách đó hàng nghìn kilômét, vốn là nơi sinh sống của hàng triệu người Hồi giáo.

Các nhà hoạch định chính sách, giới quan chức an ninh và chuyên gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lo ngại rằng chiến thắng của Taliban sẽ làm nhen nhóm chủ nghĩa tôn giáo cực đoan trong khu vực, và họ cho rằng ASEAN cần chuẩn bị trước cho khả năng có một dòng người tị nạn từ Afghanistan đổ về đây.

Tuần qua, sau khi nhận được những ý kiến bày tỏ quan ngại về chủ nghĩa khủng bố ở Philippines mà có thể được khơi gợi từ Taliban, Tướng Guillermo Eleazar - cảnh sát trưởng quốc gia Philippines - đã lập tức khẳng định: "Tôi đảm bảo với người dân rằng cảnh sát và quân đội sẽ không để cho cuộc xung đột tại Afghanistan tràn sang (Philippines)."

Các quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi ở Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia và Brunei, trong khi các cộng đồng người Hồi giáo nhỏ hơn nằm rải rác trong khu vực, trong đó có miền Nam Thái Lan và miền Nam Philippines.

Từ lâu, việc ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cực đoan đã là ưu tiên hàng đầu của ASEAN. Đầu tháng này, ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN đã nhất trí về “tầm quan trọng của việc phải đưa ra cách tiếp cận chung và toàn diện nhằm giải quyết vấn nạn khủng bố và cực đoan bạo lực - những yếu tố có thể dẫn đến chủ nghĩa khủng bố và tình trạng cấp tiến hóa."

ASEAN không còn xa lạ gì với các cuộc tấn công chết người của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Một trong số những vụ tấn công thảm khốc nhất là các vụ đánh bom ở Bali năm 2002 nhằm vào một số hộp đêm nổi tiếng với khách du lịch, khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Một địa điểm khác có nguy cơ bị tấn công khủng bố là đảo Mindanao (miền Nam Philippines), lâu nay là căn cứ của các phiến quân Hồi giáo, trong đó có cả các lực lượng liên kết với các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bất chấp thỏa thuận hòa bình năm 2014 giữa chính phủ Philippines và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro - nhóm ly khai có vũ trang lớn nhất, chủ nghĩa cực đoan vẫn là một mối đe dọa.

Năm 2017, nhóm phiến quân liên kết với IS đã vây hãm thành phố Marawi trong 5 tháng, khiến ít nhất 920 quân nổi dậy, 165 binh sỹ và 47 dân thường thiệt mạng, đồng thời buộc hàng chục nghìn người dân phải sơ tán. Hòn đảo này cũng từng bị rung chuyển bởi các cuộc tấn công liều chết.

Năm ngoái, một vụ nổ và một vụ đánh bom liều chết tại thành trì của phiến quân ở tỉnh Jolo đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 14 người và khiến hơn 70 người bị thương.

Tuy nhiên, tuần trước, cảnh sát quốc gia Philippines trấn an rằng tình hình ở Mindanao “vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các lực lượng nhà nước," đồng thời cho biết các nhà chức trách sẽ "cảnh giác cao độ" và tăng cường các hoạt động thu thập thông tin tình báo.

Taliban cho biết chính quyền mới tại Afghanistan của họ sẽ khác với chính quyền cai trị phần lớn quốc gia Trung Á này trong 2 thập kỷ qua - vốn sử dụng bạo lực với người dân và áp đặt những quy định hà khắc với phụ nữ.

[Dấu chấm hết cho ảnh hưởng của Mỹ ở Afghanistan trong tương lai?]

Những tuyên bố trên đã làm dấy lên hoài nghi và các chuyên gia cho rằng thành công của Taliban có thể tác động đến cuộc xung đột tư tưởng ở Afghanistan.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Nikkei Asia, Norshahril Saat - thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak của Singapore - nhận định: “Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động từ chiến thắng của Taliban ở Afghanistan (đối với Đông Nam Á)...

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là những tác động mà Taliban gây ra đối với hệ tư tưởng là rất quan trọng... Cho dù Taliban có chiếm đóng Afghanistan hay không, bản chất của chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố vẫn vượt ra ngoài sự chiếm đóng hay quản lý nhà nước, nhưng cũng nên nhìn vào vai trò của mạng xã hội. Giờ đây, không gian vật lý không còn là môi trường duy nhất của hành vi cực đoan hóa."

Chính phủ Singapore cũng đang rất cảnh giác. Theo bản ghi chép mà Bộ Ngoại giao Singapore công bố, trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương hôm 16/8, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết: “Chúng ta sẽ phải theo dõi điều này rất chặt chẽ. Chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan là những mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu trong khu vực của chúng ta, dù vụ việc tại Afghanistan có xảy ra hay không."

Ngoại trưởng Balakrishnan cũng nhấn mạnh rằng "chúng ta phải chờ xem" điều gì sẽ xảy ra ở Afghanistan.

Ông nhấn mạnh: “Sẽ là một thảm kịch nếu nó trở thành thánh địa hoặc điểm nóng của chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố... Chúng ta phải chờ xem, nhưng chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố vẫn rất rõ ràng và là những mối nguy hiểm đối với tất cả chúng ta ở Đông Nam Á."

Trong khi đó, tình hình hỗn loạn ở Afghanistan có thể khiến người tị nạn đổ xô đến Đông Nam Á. Theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, gần 400.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ đầu năm nay, trong khi 2,9 triệu người Afghanistan đã phải sơ tán vào cuối năm 2020.

Các tay súng Taliban gác tại thủ đô Kabul, Afghanistan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo một báo cáo từ Cơ quan Thông tấn Nhà nước Philippines, nước này sẽ mở cửa đón người tị nạn Afghanistan. Trong một báo cáo khác, cơ quan trên cho biết Cơ quan Điều tra Quốc gia và Cơ quan Điều phối Tình báo Quốc gia Philippines có thể sẽ được huy động để xác định xem những người nộp đơn xin tị nạn có gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hay không.

Tại Indonesia, tờ Jakarta Post đã đăng một bài xã luận cho rằng trước mắt, tác động quốc tế từ cuộc lật đổ của Taliban sẽ là “một đợt di cư của những người tị nạn chạy trốn khỏi chế độ Taliban, kèm theo đó là rất nhiều hậu quả, bao gồm cả các mối đe dọa an ninh."

Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết Đại sứ quán Indonesia tại Kabul sẽ vẫn thực hiện sứ mệnh của mình với số lượng nhân viên thiết yếu hạn chế, "cùng sự giám sát chặt chẽ về an toàn và an ninh ở Afghanistan”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục