Chiến thắng Điện Biên Phủ: Niềm tự hào của liên minh chiến đấu 3 nước Đông Dương

Chiến thắng Điện Biên Phủ như một hình mẫu tiêu biểu của tinh thần đoàn kết giữa Việt Nam, Lào và Campuchia, dẫn tới thắng lợi chung trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ.

Học giả Uch Leang, nhà nghiên cứu tại Học viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Phnom Penh. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)
Học giả Uch Leang, nhà nghiên cứu tại Học viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Phnom Penh. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm kết thúc với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” đặt dấu mốc lịch sử chính thức khép lại cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh về sự kiện lịch sử trọng đại này, học giả Uch Leang, nhà nghiên cứu tại Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), đánh giá Chiến thắng Điện Biên Phủ như một hình mẫu tiêu biểu của tinh thần đoàn kết giữa Việt Nam, Lào và Campuchia, dẫn tới thắng lợi chung trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ; đồng thời bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của Việt Nam sau gần 7 thập kỷ, đặc biệt là sau thời kỳ Đổi mới từ năm 1986 đến nay.

Điểm lại bối cảnh lịch sử giữa thế kỷ 20, nhà nghiên cứu Uch Leang cho rằng việc Ấn Độ tuyên bố độc lập từ thuộc địa của Anh vào năm 1947 sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc được biết đến như một hình mẫu trao trả độc lập cho các nước từng là thuộc địa thông qua đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, sự kiện này không có nghĩa là tất cả các nước thuộc địa lúc bấy giờ đều có được độc lập thông qua đàm phán.

Đề cập đến việc sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, ở khu vực Đông Dương nổ ra cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, trong đó có cuộc kháng chiến của bộ đội Việt Minh, học giả Uch Leang khẳng định: “Đây được xem là cuộc đấu tranh đầu tiên trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, giữa quân đội thực dân Pháp và quân đội Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.”

ttxvn_0705_Uch Leang (2).jpg
Học giả Uch Leang (bên phải), nhà nghiên cứu tại Học viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Phnom Penh. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)

Theo học giả Campuchia, cuộc đấu tranh giành độc lập và thắng lợi ở Điện Biên Phủ là sự kiện lịch sử thổi bùng phong trào đấu tranh giải phóng thuộc địa, đòi độc lập từ thực dân Pháp và một số nước thực dân, đế quốc khác trên thế giới.

Do đó, chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành một hình mẫu cụ thể về tinh thần đoàn kết giữa Việt Nam, Lào và Campuchia, dẫn tới thắng lợi chung trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ.

Khẳng định nhân dân 3 nước Campuchia-Việt Nam-Lào vẫn tiếp tục giữ vững niềm tự hào đó cho đến hôm nay, nhà nghiên cứu Uch Leang nêu rõ: “Đó là niềm tự hào về tinh thần yêu nước, giữ gìn độc lập dân tộc của nhân dân và quân đội mỗi nước nói chung. Đó cũng là tinh thần yêu nước của nhân dân và quân đội Việt Nam hay quân đội Việt Minh lúc bấy giờ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

Từ góc nhìn đó, học giả Uch Leang đánh giá cao vai trò của liên minh Việt Nam-Lào-Campuchia trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và giành Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào năm 1954.

Ông lý giải điều đó có được do 3 quốc gia có cùng nhận thức vì vận mệnh chung, trở thành động lực mạnh mẽ, hình thành khối đoàn kết giữa quân đội và dân dân 3 nước.

Nhờ đó, 3 nước Campuchia-Việt Nam-Lào vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đấu tranh trường kỳ chống thực dân và lần lượt giành được độc lập từ chế độ thực dân Pháp.

Nhà nghiên cứu chia sẻ: "Quan trọng hơn nữa, chúng ta nhận thấy chính quyền và nhân dân 3 nước Campuchia-Việt Nam-Lào vẫn duy trì và phát huy tinh thần đó cho đến hôm nay, tiếp tục chung tay vun đắp, giữ vững mục tiêu, lập trường chung của 3 nước trên trường quốc tế nói chung và trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói riêng, nhằm duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như thúc đẩy hợp tác tại các khu kinh tế chung ở khu vực biên giới giữa 3 nước không ngừng phát triển trong môi trường hòa bình."

Ông Uch Leang là cựu sinh viên từng học tập tại Việt Nam trong giai đoạn 1995-2001, hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ quốc tế Campuchia thuộc RAC.

Được biết đến như một chuyên gia về Việt Nam, trong những năm qua, ông thường xuyên sang Việt Nam công tác trong vai trò diễn giả tại nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế và từng đến thăm Điện Biên Phủ.

Nhà nghiên cứu thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Campuchia bày tỏ thán phục trước những tiến bộ của nền kinh tế của Việt Nam, ghi nhận sự phát triển liên tục kể từ khi thực hiện chính sách cải cách kinh tế còn được biết đến là Chính sách Đổi mới từ năm 1986 đến nay.

Theo ông Uch Leang, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, kỹ năng cao, có khả năng thu hút các nhà đầu tư lớn từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có tiềm lực lớn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu, cũng như năng lực sản xuất đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Học giả Uch Leang tin tưởng chắc chắn Việt Nam sẽ đạt tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời bày tỏ kỳ vọng Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa khi đồng hành phát triển cùng các quốc gia trong khu vực.

Ông nhấn mạnh: "Việt Nam sẽ cùng phát triển với Campuchia và Lào do trong lịch sử, ba quốc gia đã từng kề vai sát cánh, vượt qua nhiều thách thức và cùng phát triển”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục