Chiều 10/11, giá vàng châu Á tăng nhẹ, thị trường chứng khoán đi xuống

Đồng USD yếu đã hỗ trợ giá vàng châu Á tăng trong phiên giao dịch 10/11, trong khi chứng khoán châu Á giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại khi kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ chưa ngã ngũ.
Chiều 10/11, giá vàng châu Á tăng nhẹ, thị trường chứng khoán đi xuống ảnh 1Vàng trang sức được bày bán tại Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch 10/11, hỗ trợ bởi đồng USD yếu. Tuy nhiên, biên độ dao động của vàng khá hẹp do tâm lý thận trọng trước dữ liệu lạm phát của Mỹ, nhân tố có thể ảnh hưởng đến lộ trình tăng lãi suất trong tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chiều phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.710,62 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ đi ngang ở mức 1.713,70 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt, giảm 0,3% trong phiên này. Đồng USD yếu hơn khiến vàng trở nên bớt đắt đỏ hơn với những người nắm giữ loại tiền tệ khác.

Brian Lan, Giám đốc điều hành tại GoldSilver Central có trụ sở tại Singapore cho biết, giá vàng tăng nhẹ do đồng USD “hạ nhiệt,” trước khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 10/2022 sẽ được công bố vào lúc 13:30 GMT (20 giờ 30 giờ Việt Nam). Các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát cơ bản sẽ giảm xét theo cơ sở tháng và năm.

Ông Lan cho biết thêm, vàng có thể tăng giá nếu lạm phát có dấu hiệu đi xuống, nhưng nếu con số này tăng lên cao hơn, thì sẽ có những suy đoán về việc Fed sẽ lại tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất và từ đó gây áp lực giảm lên vàng.

Lãi suất cao làm gia tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.

Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), cho biết vàng có thể củng cố quanh mức 1.700 USD/ounce, nhưng nếu đồng USD tăng với áp lực từ báo cáo CPI, áp lực bán có thể khiến vàng giao dịch ở mức 1.685 USD/ounce.

Chủ tịch chi nhánh Fed tại bang Minneapolis, Neel Kashkari cho biết, hiện vẫn còn “quá sớm” để thảo luận về bất kỳ động thái nào khác ngoài chính sách thắt chặt tiền tệ hiện tại của Fed, ngay cả khi ông bày tỏ sự tán thành khả năng điều chỉnh quy mô của các đợt tăng lãi suất trong tương lai.

Cũng trong phiên này, giá bạc tăng 0,7% lên 21,16 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,6% lên 991,54 USD/ounce, trong khi giá palladium tăng 0,3% lên 1.870,56 USD/ounce.

Vào 16 giờ 11 phút, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết ở ở mức 66,30 - 67,32 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

[Giá dầu trên thị trường châu Á phiên 10/11 giảm phiên thứ tư liên tiếp]

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán ở châu Á đã giảm điểm trong phiên giao dịch chiều 10/11 sau khi kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vẫn chưa ngã ngũ và một cuộc khủng hoảng tiền điện tử tác động đến thị trường.

Chiều 10/11, giá vàng châu Á tăng nhẹ, thị trường chứng khoán đi xuống ảnh 2Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Chốt phiên này chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,98% xuống 27.446,10 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,7% xuống 16.081,04 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,39% xuống 3.036,13 điểm. Các thị trường Seoul, Sydney, Jakarta cũng giảm điểm.

Các chuyên gia nhận định rằng kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vẫn chưa ngã ngũ đã gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư.

Thị trường sẽ tập trung vào số liệu lạm phát của nước này sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Năm (10/11) để đánh giá tốc độ tăng lãi suất trong tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Thế giới tiền điện tử cũng bị “rung chuyển” bởi một quyết định bất ngờ từ Binance, nền tảng tiền điện tử lớn nhất thế giới, thông báo họ sẽ chấm dứt kế hoạch mua lại đối thủ FTX.com. Điều này đã kéo giá bitcoin xuống mức thấp nhất trong hai năm.

Tại Trung Quốc, những đồn đoán về việc nước này sẽ duy trì các chính sách kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt trong bao lâu đã thúc đẩy sự biến động trên thị trường.

Tại thị trường trong nước chốt phiên giao dịch ngày 10/11, VN-Index giảm 38,35 điểm xuống 947,24 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 698,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 10.832 tỷ đồng.

Toàn sàn có 21 mã tăng giá, trong khi có tới 447 mã giảm giá; trong đó có 178 mã giảm sàn. Có 38 mã may mắn đứng ở giá tham chiếu.

HNX-Index giảm 9 điểm xuống 192,39 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 62,6 triệu đơn vị, tương ứng trên 817,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 20 mã tăng giá, 169 mã giảm giá; trong đó có 81 mã giảm giá. Sàn HNX có 22 mã đứng ở tham chiếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục