Chính phủ Syria đặt cược vào người giàu để khôi phục nền kinh tế

Viện nghiên cứu Syria dự báo những hạn chế gần đây khiến nền kinh tế Syria có thể sụp đổ vì không có nguồn thu, chủ yếu là do hệ thống thu thuế gần như không hoạt động.
Chính phủ Syria đặt cược vào người giàu để khôi phục nền kinh tế ảnh 1Phát hàng cứu trợ cho người dân Syria ở Abu Duhur, tỉnh Idlib. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Haaretz đã đăng bài "Tổng thống Al-Assad đánh cược vào người giàu để ngăn nền kinh tế sụp đổ," nội dung như sau:

Sau ít tháng tiến hành phong tỏa gần như hoàn toàn, cuộc sống tại Syria đang dần trở lại "bình thường."

Giới chức đã cho phép di chuyển giữa các quận, giao thông công cộng đã hoạt động trở lại tại các thành phố lớn, các công ty may mặc gần như phá sản đã nhận được giấy phép hoạt động và ước tính khoảng 2,5 triệu nhân viên nhà nước đã trở lại công việc.

Ali Kanaan, Trưởng Khoa Ngân hàng và Bảo hiểm thuộc Đại học Damascus, ước tính Syria đã mất hơn 775 triệu USD/tháng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tương đương 26 triệu USD/ngày.

['Miếng bánh Syria' trong giai đoạn đầu tư và tái thiết thời hậu chiến]

Viện nghiên cứu Syria dự báo những hạn chế gần đây, được cho là kéo đến hết tháng 6 tới, khiến nền kinh tế Syria có thể sụp đổ vì không có nguồn thu, chủ yếu là do hệ thống thu thuế gần như không hoạt động.

Trợ cấp chính phủ được phân phối cho những người dân cần thiết nhất, bắt đầu từ tháng 3/2020. Chính phủ Syria đã tiêu tốn khoảng 78 triệu USD/tháng nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất.

Lương trung bình là 38 USD/tháng và thêm 6 USD phụ cấp, nhưng các ước tính cho thấy chi tiêu hộ gia đình trung bình là 334 USD/tháng, như vậy còn có khoảng cách lớn giữa tiền lương và các nhu cầu cơ bản.

Tại các thời điểm bình thường trước khi dịch bệnh diễn ra, nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực tư và công kiếm thêm thu nhập bằng cách làm việc vào buổi tối.

Những cơ hội này đã biến mất khi các lệnh hạn chế đi lại được áp đặt để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Điều này dẫn tới 80% dân số sống dưới chuẩn nghèo.

Chính phủ Syria đặt cược vào người giàu để khôi phục nền kinh tế ảnh 2Người dân Syria tới thành phố Tal Tamr, ngoại ô Hasakeh, sau khi phải rời bỏ nhà cửa tránh chiến sự tại thị trấn Ras al-Ain. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn ra, vấn đề Rami Makhlouf nổi lên.

Makhlouf, cháu của Tổng thống Bashar al-Assad, hiện sở hữu công ty điện thoại Syriatel, đã kiếm được hàng tỷ USD trong 2 thập kỷ al-Assad cầm quyền. Ông này cũng là một trong những nhà nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng và dầu mỏ lớn nhất Syria và sở hữu hàng chục công ty trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và du lịch.

Tuy nhiên, giờ đây ông Makhlouf từ một trụ cột của nền kinh tế đã trở thành kẻ thù số một của công chúng. Tỷ phú này đã được ra lệnh trả 3 tỷ USD cho Chính phủ Syria.

Tỷ phú Makhlouf nói rằng ông không có nguồn tiền này và khẳng định tài sản của ông đã bị phong tỏa.

Vành đai an ninh kinh tế của al-Assad

Gia đình al-Assad lâu nay tạo điều kiện cho các doanh nhân giàu có nhưng đồng thời gây sức ép để họ trao lại một phần tài chính để nuôi bộ máy chính quyền. Một trong số đó là Samer Foz.

Nhân vật này gần đây xuất hiện liên tục trên báo chí, kiếm tiền bằng việc thu mua lúa mì và buôn bán dầu thô tại các khu vực của người Kurd và khu vực do các tay súng IS kiểm soát tại Syria, thông qua đó Syria lách được lệnh trừng phạt.

Vành đai an ninh kinh tế của al-Assad cũng cung cấp tài chính cho một số hoạt động của quân đội và đóng góp vào các chương trình phúc lợi mới được chính phủ công bố ít ngày trước đây. Những kế hoạch này nhằm kiềm chế cơn bão dư luận về vấn đề Makhlouf và tình trạng tham nhũng trong chính quyền.

Đầu tuần này, Chính quyền Syria đã cho phép các công ty tư nhân nhập khẩu phân bón, sản phẩm do Chính phủ độc quyền kiểm soát, giảm thuế quan xuống một nửa cho thức ăn gia súc và hạt giống, đồng thời nâng hạn ngạch nhập khẩu máy móc nông nghiệp từ 1.000 lên 5.000. Số máy này có thể được bán cho nông dân theo hình thức cho vay nợ đi kèm các điều khoản tích cực.

Cùng thời điểm, Chính quyền cũng đã ra lệnh thành lập các khu chợ cho khu dân cư, hàng hóa tại các chợ này có thể được bán theo giá bán buôn và thậm chí là giảm giá 15%, bỏ qua quy định giá bán lẻ.

Một sắc lệnh khác nhằm khuyến khích sản xuất trong nước là liệt kê 67 sản phẩm mà nhà sản xuất sẽ thu được lợi nhuận thuần túy khi sản xuất ở trong nước thay vì dựa vào nhập khẩu.

Các trường đại học và cao đẳng đã được yêu cầu cung cấp học bổng toàn phần về học phí, nhà ở và phương tiện đi lại cho 2% học sinh, những người thuộc diện gia đình có tử sỹ và gia đình quân nhân.

Chi phí cho những sắc lệnh này và tiêu chuẩn phân bổ không được nói rõ. Dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, những người được hưởng sẽ phải thông qua giới chức, điều tra viên và một mạng lưới phức tạp những người trung gian để có thể nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào theo luật quy định.

Thậm chí các kênh nhập khẩu mới được mở cho khu vực tư nhân cũng không đảm bảo rằng chính phủ sẽ bỏ hệ thống thu các loại phụ phí (các loại phí sẽ chảy vào túi của nhiều người thân cận với chính quyền), cũng như bù lại việc tăng giá và đồng lira mất giá chưa có tiền lệ là 1.500 lira đổi được 1 USD.

Bộ trưởng Tài chính Syria từng ám chỉ về những người giàu xung quanh Tổng thống rằng, “người dân kiếm đủ tiền chỉ khi họ biết cách để kiếm được tiền." Bình luận này đã gây bão dư luận trên mạng xã hội.

Người dân Syria không chỉ kiệt quệ vì nghèo đói, thất nghiệp, dịch bệnh COVID-19 mà do cả sự thiếu vắng những biện pháp cải cách kinh tế mà họ có thể nhìn thấy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục