Ngày 28/2, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chính thức đề cử đương kim Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Theo dự kiến, ông Kuroda sẽ từ chức Chủ tịch ADB vào ngày 18/3 sau khi hai viện của Quốc hội Nhật Bản chuẩn y đề cử của Chính phủ.
Sự ra đi của ông Kuroda sẽ khiến chiếc ghế số một tại ADB bỏ trống và dẫn tới những lời đồn đoán trong giới tài chính quốc tế về một cuộc tranh giành quyết liệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc để cử người của mình ngồi vào chiếc ghế "cao giá" này.
Chiếc ghế bỏ trống ở ADB
Ông Kuroda, năm nay 68 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Oxford và từng giữ chức Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế. Ông đã được bầu làm vị chủ tịch thứ tám của tổ chức tài chính khu vực có trụ sở ở Manila (Philippines) này năm 2004 và tái đắc cử vào các năm 2006 và 2011.
Mặc dù nhiệm kỳ hiện nay của ông Kuroda dự kiến sẽ kéo dài tới tháng 11/2016 nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn quyết định đề cử vị chuyên gia kinh tế này làm người đứng đầu BOJ bởi vì ông là một trong những người ủng hộ nhiệt thành cho chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ của tân Thủ tướng Abe.
[Chủ tịch ADB được đề cử làm Thống đốc BOJ mới]
Ngoài ông Kuroda, Chính phủ Nhật Bản cũng đề cử giáo sư Kikuo Iwata của Trường Đại học Gakushuin, năm nay 70 tuổi, và Giám đốc Điều hành BOJ Hiroshi Nakaso, năm nay 59 tuổi, vào vị trí Phó Thống đốc BOJ.
Chính quyền Abe hy vọng ban lãnh đạo mới của BOJ sẽ thực hiện các chính sách chống giảm phát mà Chính phủ chủ trương để vực dậy nền kinh tế nước này.
Theo luật pháp hiện hành ở Nhật Bản, các quyết định bổ nhiệm Thống đốc và các Phó Thống đốc BOJ cần phải được hai viện của Quốc hội thông qua.
Dự kiến, Hạ viện Nhật Bản sẽ tổ chức bỏ phiếu để thông qua quyết định bổ nhiệm ban lãnh đạo mới của BOJ vào ngày 14/3, trong khi cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện sẽ diễn ra một ngày sau đó.
Do liên minh cầm quyền vẫn chưa giành được đa số ghế tại Thượng viện nên họ cần phải nhận được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập để có thể chính thức bổ nhiệm ông Kuroda vào vị trí Thống đốc BOJ.
Nhiều khả năng DPJ sẽ chấp thuận để ông Kuroda lãnh đạo BOJ nhưng bác bỏ đề xuất bổ nhiệm ông Iwata làm Phó Thống đốc BOJ. Trong trường hợp DPJ phản đối việc bổ nhiệm ông Iwata, LDP phải nhận được sự ủng hộ của ba đảng đối lập nhỏ hơn, gồm Đảng của bạn (YP), Đảng Khôi phục Nhật Bản (JRP) và Đảng Phục hưng mới (NRP) để có thể thông qua quyết định bổ nhiệm ông Iwata tại Thượng viện.
Cuộc đua đang nóng dần
Kể từ khi ADB được thành lập vào năm 1966, chiếc ghế Chủ tịch ADB vẫn do một công dân Nhật Bản nắm giữ bởi lẽ “đất nước Mặt Trời mọc” là quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất cho ADB. Vì vậy, sau khi ông Kuroda từ chức, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ giới thiệu một ứng cử viên trong số các cựu thứ trưởng tài chính phụ trách vấn đề quốc tế vào vị trí người đứng đầu ADB để tiếp tục duy trì truyền thống này.
Phát biểu với các phóng viên hôm 26/2, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết: “Sẽ có một cuộc bỏ phiếu để quyết định chức Chủ tịch ADB nên chúng tôi sẽ phải vận động hành lang để Nhật Bản giành được vị trí đó.”
Ông Aso cũng khẳng định Thứ trưởng Takehiko Nakao, người phụ tá phụ trách các vấn đề quốc tế của mình, là một trong những ứng cử viên mà Nhật Bản có thể sẽ giới thiệu để ra tranh cử chức Chủ tịch ADB.
Ông Nakao năm nay 56 tuổi, đã được tuyển dụng vào Bộ Tài chính từ năm 1978 và giữ chức vụ hiện nay từ tháng 8/2011. Ông có mối quan hệ rộng rãi với nhiều quan chức tài chính cao cấp phụ trách chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn như Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lael Brainard.
Nhật Bản hy vọng vị chuyên gia tài chính quốc tế này sẽ nhận được ủng hộ đáng kể từ nhiều nền kinh tế châu Á khác và Mỹ bởi vì ông đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác tài chính ở châu lục này.
Ngoài ông Nakao, một quan chức tài chính cao cấp khác của Nhật Bản hiện đang làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là ông Naoyuki Shinohara cũng là một trong những ứng cử viên có triển vọng cho chiếc ghế Chủ tịch ADB.
Tuy nhiên, Trung Quốc, vốn đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở châu Á, có thể sẽ cố gắng cản trở nỗ lực này của Nhật Bản. Hai nước đang cạnh tranh quyết liệt để giành vị trí lãnh đạo ADB.
Năm 2011, Trung Quốc đã từng cạnh tranh quyết liệt với Nhật Bản để giành vị trí lãnh đạo Văn phòng Kinh tế Vĩ mô và Nghiên cứu ASEAN+3 (AMRO), một tổ chức khu vực có chức năng giám sát và phân tích các nền kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ba nền kinh tế Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo giới phân tích tài chính, một trong những ứng cử viên tiềm tàng đến từ Trung Quốc là Chủ tịch Ủy ban Giám sát của Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc Jin Liqun, người đã từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính và Phó Chủ tịch ADB.
Một ứng cử viên có triển vọng khác của Trung Quốc là Phó Tổng Giám đốc IMF Zhu Min, người đã từng giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC).
Không chỉ có Trung Quốc, nhiều khả năng các nền kinh tế khác ở châu Á như Ấn Độ và Thái Lan cũng sẽ lựa chọn các ứng cử viên của mình để tham gia cuộc đua vào ghế Chủ tịch ADB. Ngoài ra, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể cũng đưa ra ứng cử viên của riêng mình.
Nếu có nhiều người cùng ra tranh cử thì lần đầu tiên kể từ khi được thành lập vào năm 1966, ADB sẽ phải tiến hành bỏ phiếu để lựa chọn vị chủ tịch mới. Theo dự kiến, các nền kinh tế thành viên ADB sẽ bỏ phiếu để bầu chủ tịch mới trong khoảng 1-2 tháng nữa.
Ai sẽ lên ngôi?
ADB là một tổ chức tài chính đa phương chuyên cung cấp các khoản tín dụng, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các nước châu Á phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói, giảm nghèo.
ADB hiện có 67 nền kinh tế thành viên, trong đó có 48 thành viên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 19 thành viên bên ngoài khu vực này.
Tại ADB, các quyền bỏ phiếu được phân bổ cho các nền kinh tế thành viên theo tỷ lệ đóng góp tài chính. Vì vậy, Nhật Bản và Mỹ - các nền kinh tế thành viên đã đóng góp tài chính nhiều nhất cho ADB - sẽ có tiếng nói mang tính quyết định tới chiếc ghế số 1 ở tổ chức tài chính khu vực này.
Do giữa Mỹ, châu Âu và Nhật Bản dường như đang tồn tại một thỏa thuận ngầm là một người Mỹ lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), một người châu Âu điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đại diện Nhật Bản giữ chức vụ Chủ tịch ADB nên cơ hội cho ứng cử viên Nhật Bản là rất lớn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các định chế tài chính quốc tế như WB và IMF đều đã chứng kiến những thay đổi lớn. Mặc dù các công dân Mỹ và châu Âu vẫn giữ vị trí số 1 ở các tổ chức này nhưng quá trình lựa chọn đã minh bạch hơn rất nhiều so với trước đây.
Năm 2011, cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde đã trở thành người phụ nữ đầu tiên làm Tổng Giám đốc IMF thay cho ông Dominique Strauss-Kahn. Trong khi đó, vị bác sỹ người Mỹ gốc Triều Tiên Jim Yong Kim cũng là người đầu tiên không thuộc giới chính trị và tài chính được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo WB.
Xu hướng này vẫn chưa diễn ra ở các tổ chức quốc tế hàng đầu của châu Á nhưng nó có thể diễn ra ở ADB trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Vì vậy, cơ hội cho các ứng cử viên đến từ các nền kinh tế khác ngoài Nhật Bản sẽ lớn hơn.
Trong trường hợp Trung Quốc tìm được một ứng cử viên nặng ký, cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch ADB sẽ trở nên quyết liệt hơn. Tuy nhiên, ông Masahiro Kawai, Viện trưởng Viện ADB có trụ sở ở Tokyo, cho rằng Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á - vẫn thiếu sự ủng hộ cần thiết để lãnh đạo ADB.
Trong trường hợp Nhật Bản thất bại trong việc giới thiệu một ứng cử viên nặng ký trong khi ứng cử viên của Bắc Kinh không nhận được sự ủng hộ cần thiết thì đó sẽ là cơ hội cho một ứng cử viên đến từ Đông Nam Á - một khu vực đang phát triển hết sức năng động và được coi là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khả năng xảy ra kịch bản này là không nhiều./.
Theo dự kiến, ông Kuroda sẽ từ chức Chủ tịch ADB vào ngày 18/3 sau khi hai viện của Quốc hội Nhật Bản chuẩn y đề cử của Chính phủ.
Sự ra đi của ông Kuroda sẽ khiến chiếc ghế số một tại ADB bỏ trống và dẫn tới những lời đồn đoán trong giới tài chính quốc tế về một cuộc tranh giành quyết liệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc để cử người của mình ngồi vào chiếc ghế "cao giá" này.
Chiếc ghế bỏ trống ở ADB
Ông Kuroda, năm nay 68 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Oxford và từng giữ chức Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế. Ông đã được bầu làm vị chủ tịch thứ tám của tổ chức tài chính khu vực có trụ sở ở Manila (Philippines) này năm 2004 và tái đắc cử vào các năm 2006 và 2011.
Mặc dù nhiệm kỳ hiện nay của ông Kuroda dự kiến sẽ kéo dài tới tháng 11/2016 nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn quyết định đề cử vị chuyên gia kinh tế này làm người đứng đầu BOJ bởi vì ông là một trong những người ủng hộ nhiệt thành cho chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ của tân Thủ tướng Abe.
[Chủ tịch ADB được đề cử làm Thống đốc BOJ mới]
Ngoài ông Kuroda, Chính phủ Nhật Bản cũng đề cử giáo sư Kikuo Iwata của Trường Đại học Gakushuin, năm nay 70 tuổi, và Giám đốc Điều hành BOJ Hiroshi Nakaso, năm nay 59 tuổi, vào vị trí Phó Thống đốc BOJ.
Chính quyền Abe hy vọng ban lãnh đạo mới của BOJ sẽ thực hiện các chính sách chống giảm phát mà Chính phủ chủ trương để vực dậy nền kinh tế nước này.
Theo luật pháp hiện hành ở Nhật Bản, các quyết định bổ nhiệm Thống đốc và các Phó Thống đốc BOJ cần phải được hai viện của Quốc hội thông qua.
Dự kiến, Hạ viện Nhật Bản sẽ tổ chức bỏ phiếu để thông qua quyết định bổ nhiệm ban lãnh đạo mới của BOJ vào ngày 14/3, trong khi cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện sẽ diễn ra một ngày sau đó.
Do liên minh cầm quyền vẫn chưa giành được đa số ghế tại Thượng viện nên họ cần phải nhận được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập để có thể chính thức bổ nhiệm ông Kuroda vào vị trí Thống đốc BOJ.
Nhiều khả năng DPJ sẽ chấp thuận để ông Kuroda lãnh đạo BOJ nhưng bác bỏ đề xuất bổ nhiệm ông Iwata làm Phó Thống đốc BOJ. Trong trường hợp DPJ phản đối việc bổ nhiệm ông Iwata, LDP phải nhận được sự ủng hộ của ba đảng đối lập nhỏ hơn, gồm Đảng của bạn (YP), Đảng Khôi phục Nhật Bản (JRP) và Đảng Phục hưng mới (NRP) để có thể thông qua quyết định bổ nhiệm ông Iwata tại Thượng viện.
Cuộc đua đang nóng dần
Kể từ khi ADB được thành lập vào năm 1966, chiếc ghế Chủ tịch ADB vẫn do một công dân Nhật Bản nắm giữ bởi lẽ “đất nước Mặt Trời mọc” là quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất cho ADB. Vì vậy, sau khi ông Kuroda từ chức, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ giới thiệu một ứng cử viên trong số các cựu thứ trưởng tài chính phụ trách vấn đề quốc tế vào vị trí người đứng đầu ADB để tiếp tục duy trì truyền thống này.
Phát biểu với các phóng viên hôm 26/2, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết: “Sẽ có một cuộc bỏ phiếu để quyết định chức Chủ tịch ADB nên chúng tôi sẽ phải vận động hành lang để Nhật Bản giành được vị trí đó.”
Ông Aso cũng khẳng định Thứ trưởng Takehiko Nakao, người phụ tá phụ trách các vấn đề quốc tế của mình, là một trong những ứng cử viên mà Nhật Bản có thể sẽ giới thiệu để ra tranh cử chức Chủ tịch ADB.
Ông Nakao năm nay 56 tuổi, đã được tuyển dụng vào Bộ Tài chính từ năm 1978 và giữ chức vụ hiện nay từ tháng 8/2011. Ông có mối quan hệ rộng rãi với nhiều quan chức tài chính cao cấp phụ trách chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn như Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lael Brainard.
Nhật Bản hy vọng vị chuyên gia tài chính quốc tế này sẽ nhận được ủng hộ đáng kể từ nhiều nền kinh tế châu Á khác và Mỹ bởi vì ông đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác tài chính ở châu lục này.
Ngoài ông Nakao, một quan chức tài chính cao cấp khác của Nhật Bản hiện đang làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là ông Naoyuki Shinohara cũng là một trong những ứng cử viên có triển vọng cho chiếc ghế Chủ tịch ADB.
Tuy nhiên, Trung Quốc, vốn đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở châu Á, có thể sẽ cố gắng cản trở nỗ lực này của Nhật Bản. Hai nước đang cạnh tranh quyết liệt để giành vị trí lãnh đạo ADB.
Năm 2011, Trung Quốc đã từng cạnh tranh quyết liệt với Nhật Bản để giành vị trí lãnh đạo Văn phòng Kinh tế Vĩ mô và Nghiên cứu ASEAN+3 (AMRO), một tổ chức khu vực có chức năng giám sát và phân tích các nền kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ba nền kinh tế Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo giới phân tích tài chính, một trong những ứng cử viên tiềm tàng đến từ Trung Quốc là Chủ tịch Ủy ban Giám sát của Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc Jin Liqun, người đã từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính và Phó Chủ tịch ADB.
Một ứng cử viên có triển vọng khác của Trung Quốc là Phó Tổng Giám đốc IMF Zhu Min, người đã từng giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC).
Không chỉ có Trung Quốc, nhiều khả năng các nền kinh tế khác ở châu Á như Ấn Độ và Thái Lan cũng sẽ lựa chọn các ứng cử viên của mình để tham gia cuộc đua vào ghế Chủ tịch ADB. Ngoài ra, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể cũng đưa ra ứng cử viên của riêng mình.
Nếu có nhiều người cùng ra tranh cử thì lần đầu tiên kể từ khi được thành lập vào năm 1966, ADB sẽ phải tiến hành bỏ phiếu để lựa chọn vị chủ tịch mới. Theo dự kiến, các nền kinh tế thành viên ADB sẽ bỏ phiếu để bầu chủ tịch mới trong khoảng 1-2 tháng nữa.
Ai sẽ lên ngôi?
ADB là một tổ chức tài chính đa phương chuyên cung cấp các khoản tín dụng, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các nước châu Á phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói, giảm nghèo.
ADB hiện có 67 nền kinh tế thành viên, trong đó có 48 thành viên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 19 thành viên bên ngoài khu vực này.
Tại ADB, các quyền bỏ phiếu được phân bổ cho các nền kinh tế thành viên theo tỷ lệ đóng góp tài chính. Vì vậy, Nhật Bản và Mỹ - các nền kinh tế thành viên đã đóng góp tài chính nhiều nhất cho ADB - sẽ có tiếng nói mang tính quyết định tới chiếc ghế số 1 ở tổ chức tài chính khu vực này.
Do giữa Mỹ, châu Âu và Nhật Bản dường như đang tồn tại một thỏa thuận ngầm là một người Mỹ lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), một người châu Âu điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đại diện Nhật Bản giữ chức vụ Chủ tịch ADB nên cơ hội cho ứng cử viên Nhật Bản là rất lớn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các định chế tài chính quốc tế như WB và IMF đều đã chứng kiến những thay đổi lớn. Mặc dù các công dân Mỹ và châu Âu vẫn giữ vị trí số 1 ở các tổ chức này nhưng quá trình lựa chọn đã minh bạch hơn rất nhiều so với trước đây.
Năm 2011, cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde đã trở thành người phụ nữ đầu tiên làm Tổng Giám đốc IMF thay cho ông Dominique Strauss-Kahn. Trong khi đó, vị bác sỹ người Mỹ gốc Triều Tiên Jim Yong Kim cũng là người đầu tiên không thuộc giới chính trị và tài chính được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo WB.
Xu hướng này vẫn chưa diễn ra ở các tổ chức quốc tế hàng đầu của châu Á nhưng nó có thể diễn ra ở ADB trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Vì vậy, cơ hội cho các ứng cử viên đến từ các nền kinh tế khác ngoài Nhật Bản sẽ lớn hơn.
Trong trường hợp Trung Quốc tìm được một ứng cử viên nặng ký, cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch ADB sẽ trở nên quyết liệt hơn. Tuy nhiên, ông Masahiro Kawai, Viện trưởng Viện ADB có trụ sở ở Tokyo, cho rằng Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á - vẫn thiếu sự ủng hộ cần thiết để lãnh đạo ADB.
Trong trường hợp Nhật Bản thất bại trong việc giới thiệu một ứng cử viên nặng ký trong khi ứng cử viên của Bắc Kinh không nhận được sự ủng hộ cần thiết thì đó sẽ là cơ hội cho một ứng cử viên đến từ Đông Nam Á - một khu vực đang phát triển hết sức năng động và được coi là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khả năng xảy ra kịch bản này là không nhiều./.
Thanh Tùng (TTXVN)