Chính trường Thái Lan lại đối mặt với làn sóng bất ổn mới

Hơn 10.000 người đã tham gia cuộc biểu tình với mục đích yêu cầu chính phủ từ chức và xem xét một hiến pháp mới cho các cuộc bầu cử sớm.
Chính trường Thái Lan lại đối mặt với làn sóng bất ổn mới ảnh 1Người biểu tình tại Thái Lan hôm 16/8. (Nguồn: AFP)

Theo Reuters, ngày 16/8, hơn 10.000 người đã tham gia cuộc biểu tình lớn nhất ở Thái Lan kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 với mục đích yêu cầu chính phủ từ chức và xem xét một hiến pháp mới cho các cuộc bầu cử sớm.

Một số người biểu tình cũng yêu cầu thúc đẩy những cải cách đối với chế độ quân chủ - điều mà cho đến gần đây vẫn là một chủ đề cấm kỵ.

Làn sóng biểu tình đã bắt đầu như thế nào?

Các cuộc biểu tình chống chính phủ lần đầu tiên nổi lên vào cuối năm ngoái sau khi các tòa án ra phán quyết giải tán đảng Tương lai Mới (FFP), đảng đối lập công khai chống đối chính phủ của cựu thủ lĩnh quân sự Prayuth Chan-ocha nhiều nhất, và cũng là đảng thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới trẻ Thái Lan.

[Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha xác nhận kế hoạch cải tổ nội các]

Các cuộc biểu tình lan rộng trên mạng Internet khi các lệnh hạn chế tụ tập được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), song đã nổi lên trở lại từ giữa tháng 7/2020.

Kể từ đó, các cuộc tuần hành do các nhóm sinh viên tổ chức đã xảy ra hầu như là hàng ngày. Phần lớn những người tham gia biểu tình ngày 16/8 là giới sinh viên, song cũng có rất nhiều thành phần lớn tuổi hơn trong đám đông.

Những người biểu tình yêu cầu điều gì?

Có 3 yêu cầu chính: Yêu cầu chính phủ của ông Prayuth từ chức, yêu cầu xem xét một hiến pháp mới và yêu cầu chấm dứt quấy rối các nhà hoạt động xã hội đối lập.

Tuy nhiên, một số sinh viên còn đề ra 10 yêu cầu khác liên quan đến các cải cách đối với chế độ quân chủ hùng mạnh của Vua Maha Vajiralongkorn.

Các đòi hỏi này bao gồm hạn chế quyền lực hiến pháp của ông cũng như thẩm quyền của ông đối với vận mệnh của hoàng gia và với các lực lượng vũ trang. Họ còn muốn chấm dứt vai trò của chế độ quân chủ trong các vấn đề chính trị, song cũng nhấn mạnh rằng họ không tìm cách để bãi bỏ nó.

Những yêu cầu cải cách công khai từ bất kỳ một nhóm nào như thế này đều là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Thái Lan.

Điều gì gây ra những bất mãn này?

Những người phản đối Prayuth cáo buộc ông nắm giữ quyền lực suốt từ khi ông lần đầu tiên chiếm đoạt nó trong cuộc đảo chính năm 2014 cho đến cuộc bầu cử năm ngoái, vốn được tổ chức theo những quy định thuận lợi cho ông. Ông đã phản bác lại điều này.

Các yếu tố khác cũng đã nổi lên, trong đó có thái độ bức xúc đối với những cáo buộc chính phủ tham nhũng và một tư tưởng rằng không có một chế độ trừng phạt nào áp dụng với các hành động của giới tinh hoa Thái Lan.

Trong khi đó, tình trạng nghèo đói đang ngày càng trầm trọng vì nền công nghiệp du lịch trọng yếu bị sụp đổ như một hậu quả tất yếu của đại dịch COVID-19. Sự biến mất của một nhà hoạt động xã hội chống chính phủ Thái Lan tại Campuchia, vụ mất tích mới nhất trong chín vụ xảy ra những năm gần đây, càng kích động tư tưởng bất mãn này.

Nhiều thanh niên Thái Lan cũng bày tỏ bức xúc với một cơ chế đề cao sự phục tùng các quan chức và truyền thống, trong đó chế độ quân chủ được hiến pháp mô tả là “được đề cao trong một địa vị đầy tôn kính.”

Chính phủ phản ứng thế nào?

Chính phủ cho biết người dân được phép bày tỏ sự bất mãn và Prayuth nói ông đang tìm cách đối thoại với những người biểu tình. Tuy nhiên, ba thủ lĩnh của nhóm sinh viên biểu tình đã bị bắt giữ và được bảo lãnh tại ngoại với các khoản phạt vì tham gia các cuộc biểu tình trước đó, và cảnh sát nói đã nhận được lệnh bắt giữ thêm 12 người nữa.

Ông Prayuth nói nhà vua đã yêu cầu ông không áp dụng luật về tội khi quân mà theo đó có thể xử phạt tới 15 năm tù đối với bất kỳ ai dám phỉ báng hoàng gia.

Phe đối lập có xuất hiện trong các nhóm biểu tình?

Cũng đã có một số cuộc tuần hành ủng hộ hoàng gia để đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ, nhưng sự kiện lớn nhất cũng chỉ thu hút được hơn chục người tham gia.

Những người này bao gồm các cựu thành viên của phe bảo hoàng áo vàng, những người mà trong suốt hơn một thập kỷ trước khi xảy ra vụ đảo chính mới nhất năm 2014 từng xung đột với phe biểu tình áo đỏ trung thành với cựu thủ tướng dân túy Thaksin Shinawatra.

Trong khi đó, một số thành phần từng thuộc phe áo đỏ cũng đã xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống chính phủ. Điều này làm dấy lên những lo ngại tại Thái Lan rằng tình trạng bạo lực đường phố trong quá khứ có thể sẽ quay trở lại, mặc dù đến nay các cuộc biểu tình vẫn diễn ra trong hòa bình.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Những người biểu tình đã thề sẽ tiếp tục hành động cho đến khi nào các yêu cầu của họ được đáp ứng. Các cuộc biểu tình, và đặc biệt là sự chỉ trích hoàng gia, đã đẩy chính phủ vào thế khó.

Giới phân tích chính trị cho rằng nếu chính phủ hành động quá mạnh tay, thì họ có nguy cơ kích động một phản ứng tiêu cực, điều sẽ khiến các cuộc biểu tình càng mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, nếu không hành động cứng rắn, các nhóm biểu tình có thể sẽ được thể phá vỡ thêm nhiều điều bị cấm kỵ nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục