Cho DN tham gia bình ổn thị trường vay 1.960 tỷ đồng

Các ngân hàng đã cam kết cho các doanh nghiệp TP.HCM tham gia chương trình bình ổn thị trường vay 1.960 tỷ đồng chuẩn bị nguồn hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường đang ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực.

Năm nay, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tăng tính chủ động khi tìm nguồn vốn thực hiện chương trình thông qua thực hiện kết nối giữa doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã cam kết cho các doanh nghiệp tham gia chương trình vay với số tiền lên đến 1.960 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng. Trong số này có 860 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, lãi suất 6%/năm và 1.100 tỷ đồng cho vay trung và dài hạn với lãi suất 10%/năm.

Đến đầu tháng 7/2013, đã có 59 doanh nghiệp, gồm 31 doanh nghiệp lương thực - thực phẩm, 13 doanh nghiệp sản xuất dụng cụ học sinh, 2 doanh nghiệp sữa và 13 doanh nghiệp dược phẩm tham gia chương trình bình ổn. Mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường cũng ngày càng trải rộng khắp trên địa bàn thành phố với 7.317 điểm bán hàng, trong đó có 3.062 điểm bán thực phẩm thiết yếu, 728 điểm bán hàng hóa mùa khai trường, 1.191 điểm bán sữa và 2.024 điểm bán thuốc.

Ngoài ra, đã có 795 điểm bán hàng bình ổn tại các quận vùng ven, huyện ngoại thành và 14 điểm bán tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và các bếp ăn tập thể ở các doanh nghiệp đông công nhân.

Hàng nghìn chuyến bán hàng lưu động khác cũng đã được đưa đến vùng ven ngoại thành phục vụ người lao động. Đoàn Thanh niên Cộng sản và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng đã tổ chức hàng chục điểm bán lẻ sâu trong các ngõ hẻm phục vụ người dân và thực hiện giao nhận hàng theo yêu cầu khách hàng. Chính nhờ đó, chương trình đã khai thác tối đa nhu cầu hàng hóa thiết yếu của dân cư, hạn chế sự tăng giá đột biến trên thị trường, giảm giá hàng bán và góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;” khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối, bố trí các điểm bán hàng bình ổn giá ngay tại các chợ truyền thống, khu dân cư, các xã ngoại thành; hỗ trợ các doanh nghiệp giảm tỷ lệ hàng tồn kho.

Mặt khác, thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành và phối hợp kiểm tra đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng thông dụng, các mặt hàng thuộc diện bình ổn của thành phố./.

Hà Huy Hiệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục