Chủ nghĩa dân tộc vắcxin: 'Đến cả người giàu cũng khóc'

Khi các chính phủ ký các hợp đồng cung cấp vắcxin, giới truyền thông ít nghĩ đến khả năng xảy ra xung đột lợi ích giữa các nước sản xuất và tiêu thụ. Nhưng điều đó đã xảy ra.
Chủ nghĩa dân tộc vắcxin: 'Đến cả người giàu cũng khóc' ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel, ngày 4/2/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Với nhan đề trên, báo Độc lập của Nga mới đây cho biết vắcxin của hãng AstraZeneca và Pfizer/BioNTech sẽ được chuyển giao cho Liên minh châu Âu (EU) muộn hơn so với kế hoạch.

Trở thành nhà tài trợ chính cho chương trình tiêm chủng giá rẻ COVAX, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hiện bị tước quyền tiếp cận vắcxin vào thời điểm quan trọng nhất, khi nhu cầu tiêm chủng rất lớn.

Trong khi đó, Chính phủ Anh cũng bày tỏ lập trường cứng rắn, nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp Anh đã ký hợp đồng với chính phủ từ trước phải ưu tiên sản xuất vắcxin phục vụ công dân Anh, và chỉ sau đó mới cung cấp cho phần còn lại của châu Âu.

[Các nước Đông Nam Á triển khai nhanh việc tiêm đại trà vắcxin COVID-19]

Khi các chính phủ ký các hợp đồng cung cấp vắcxin, giới truyền thông ít nghĩ đến khả năng xảy ra xung đột lợi ích giữa các nước sản xuất và tiêu thụ.

Xét cho cùng, tiêm chủng cho người dân không chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn là vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế. Khi mọi thứ đều bình đẳng, ưu tiên phải được dành cho quốc gia.

“Chủ nghĩa dân tộc về vắcxin” đã được nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (WEF).

Trước thềm sự kiện này, WEF đã đăng bài phân tích rằng các nước giàu sẽ tích trữ vắcxin, trong khi người dân các nước nghèo trên nguyên tắc chưa có điều kiện tiếp cận với vắcxin.

Theo các tác giả, không cần quá nhiều tiền để cung cấp vắcxin cho các nước có thu nhập thấp (chỉ khoảng 25 tỷ USD), nhưng thế giới đang gặp khó khăn trong việc huy động số tiền đó.

EU đã cam kết hỗ trợ 500 triệu euro (khoảng 670 triệu USD) cho chương trình COVAX.

Điều này trái ngược với thực tế là tài sản của tầng lớp “siêu giàu” trên thế giới đã tăng lên 2.200 tỷ USD trong đại dịch (tính đến đầu tháng 10/2020, theo báo cáo của ngân hàng Thụy Sĩ UBS và công ty tư vấn quốc tế PwC).

Nhưng những nước giàu cũng có những vấn đề của họ và có tiền cũng không (chưa) giải quyết được. Một số vấn đề nghiêm trọng đã nảy sinh trong quá trình cung cấp vắcxin cho EU.

Theo tờ Guardian (Anh), liên doanh Thụy Điển-Anh AstraZeneca chỉ sẵn sàng cung cấp cho EU 25% đơn hàng vắcxin dự kiến trong quý 1/2021, đồng thời doanh nghiệp này tuyên bố sẽ thực hiện yêu cầu của Chính phủ Anh là sản xuất 2 triệu vắcxin trong thời gian sớm nhất. Như vậy, quá trình tiêm chủng ở Anh sẽ nhanh hơn nhiều so với ở châu Âu.

Các nước thành viên EU đã bày tỏ sự phẫn nộ đối với Anh. Brussels thấy mình bị xếp sau Anh, nơi AstraZeneca có 2 trong số 4 nhà máy sản xuất vắcxin.

Đáp lại, đại diện của AstraZeneca nói rằng Anh đã ký hợp đồng từ trước.

Trong khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi tuyên bố 2 nhà máy của AstraZeneca trước tiên sẽ sản xuất 100 triệu vắcxin cho người Anh, và chỉ sau đó mới bắt đầu hoạt động vì lợi ích của công dân các nước khác.

EU có kế hoạch nhận 100 triệu liều vắcxin của AstraZeneca vào đầu tháng 4 tới, trong toàn bộ đơn đặt hàng là 400 triệu liều.

Nhiều ý kiến cho rằng hành động trên của Thủ tướng Anh là nhằm thuyết phục người dân về lợi ích của Brexit bởi nếu Anh tham gia chương trình tiêm chủng châu Âu, họ sẽ không thể nhận được vắcxin sớm hơn những nước khác.

Tuy nhiên, Brussels có ít lựa chọn thay thế. Nguồn cung vắcxin từ hãng dược phẩm Mỹ-Đức Pfizer/BioNTech cũng đang gặp khó.

Trước đó, Pfizer đã hai lần cắt nguồn cung vắcxin cho EU do nhu cầu tăng năng lực sản xuất.

Và khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho phép sử dụng mỗi lọ vắcxin của Pfizer/BioNTech để tiêm 6 liều, chứ không phải 5 liều, Mỹ càng có lý do để giảm số lượng vắcxin cung cấp, vì trong hợp đồng quy định liều lượng chứ không phải số lọ.

Không phải tất cả người châu Âu đều giữ được kiên nhẫn trong bối cảnh này. Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio đã dọa kiện Pfizer và AstraZeneca nếu họ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục