Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tiết lộ về lợi nhuận ‘đường bay vàng’

Các hãng hàng không hiện tại chỉ muốn chọn đường bay vàng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh để bay nên hạ tầng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất thường xuyên bị quá tải.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tiết lộ về lợi nhuận ‘đường bay vàng’ ảnh 1Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, các hãng hàng không hiện tại chỉ muốn chọn đường bay vàng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh để bay nên hạ tầng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất quá tải.

“Nếu Bộ Giao thông Vận tải cưỡng chế phân luồng, giảm tải, giảm chi phí cho khách hàng, chắc chắn hạ tầng hàng không sẽ giảm thiểu, giá vé cũng sẽ giảm đi,” ông Quyết đánh giá.

[Bamboo Airways của tập đoàn FLC mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner]

Tại buổi toạ đàm "Lời giải cho điểm nghẽn hạ tầng" diễn ra chiều ngày 26/7, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng, với số lượng cảng hàng không hiện nay đã rất đủ, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước bỏ ngỏ việc quản lý, không có sự phân luồng. Nếu như có sự phân luồng như “cảnh sát hàng không,” cảng hàng không của Nội Bài hay Tân Sơn Nhất sẽ không bị tắc như bây giờ.

Theo ông Quyết, Nhà nước cần tạo ra cơ chế chính sách, thậm chí phải cưỡng chế các hãng hàng không phải bay những tuyến bay giảm áp lực của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, muốn đi Cần Thơ, hay Cà Mau mà bay từ Thanh Hóa, Ninh Bình đều phải ra Hà Nội. Ngược lại, các tỉnh miền Tây, miền Đông muốn đến Thanh Hóa đều phải ra Thành phố Hồ Chí Minh.

“Các hãng hàng không hiện tại chỉ muốn chọn đường bay vàng để bay,” tỷ phú Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh.

Ví dụ như đường bay Hà Nội-Sài Gòn, một chiếc máy bay như FLC chuẩn bị thuê khoảng 400.000 USD/tháng (khoảng 9,3 tỷ đồng), tương ứng 10 máy bay là gần 100 tỷ/tháng. Trong khi đó, một máy bay phải đảm bảo bay tối thiểu 6 lượt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại trong một ngày. Một máy bay có 200 chỗ, nếu bay kín chỗ, giá vé khứ hồi 5,4 triệu đồng sẽ thu được khoảng 1,1 tỷ đồng/chuyến, 3,3 tỷ đồng/ngày và 99 tỷ đồng/tháng. Chi phí phải bỏ chỉ là 10 tỷ đồng tiền thuê máy bay, 1 triệu USD tiền nhiêu liệu (tương đương 23 tỷ đồng/tháng) và các chi phí khác, tổng cộng khoảng 40 tỷ đồng.

Như vậy, 34 tỷ đồng cộng với chi phí khác khoảng 6 tỷ cho chiếc máy bay, tổng chi phí khoảng 40 tỷ đồng nhưng thu về 99 tỷ đồng.

“Lợi nhuận như trên nên dễ hiểu vì sao hãng nào hay các tỉnh cũng chỉ chăm chăm về hai thành phố này để bay. Cũng vì thế mà hạ tầng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng. Nếu Bộ Giao thông Vận tải cưỡng chế phân luồng, giảm tải, giảm chi phí cho khách hàng, chắc chắn hạ tầng hàng không sẽ giảm thiểu, giá vé cũng sẽ giảm đi,” ông Quyết nhìn nhận.

[Hãng hàng không Bamboo Airways sẽ cất cánh vào cuối năm 2018]

Theo ông Quyết, từng có lần cả Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Bình Định và FLC đề nghị các hãng hàng không mở đường bay Thanh Hóa-Quy Nhơn, nếu lỗ các địa phương sẽ bù, hoặc FLC bù, nhưng không hãng nào bay.

Do đó, theo ông Quyết, cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp cưỡng chế các hãng hàng không phải bay tới các sân bay phụ cận, thay vì chỉ bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ giảm tải được các sân bay lớn, qua đó cũng tạo thuận lợi cho người dân các địa phương khác đi lại thuận lợi, thay vì phải dồn về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để đi hàng không.

Chủ tịch FLC cũng tiết lộ thời điểm cất cánh của Bamboo Airways (hàng không Tre Việt), thời gian xin cấp phép sẽ mất vài tháng, sớm nhất khoảng ngày 10/10/2018 mới bay chính thức (trước đó sẽ có bay thử).

Tuyến đầu tiên là Thành phố Hồ Chí Minh-Quy Nhơn hoặc Hà Nội-Quy Nhơn, sau đó có thể là Vân Đồn-Quảng Bình, Vân Đồn-Quy Nhơn, hoặc Thanh Hóa-Quy Nhơn, Thanh Hóa-Cần Thơ... FLC sẽ ưu tiên các đường bay phục vụ trong nước mà các hãng hàng không khác chưa ưu tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục