Chủ tịch nước Tô Lâm: Cần phải bổ sung quy định dao là vũ khí để quản lý

Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh dao là công cụ để phục vụ cho sản xuất, đời sống nhưng không được có yếu tố đe dọa, không được làm ảnh hưởng đến trật tự chung; phải có nề nếp để quản lý.

Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) chiều 24/5, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh cần phải bổ sung quy định dao là vũ khí để quản lý, song vẫn phải có “ranh giới” để tạo điều kiện cho hoạt động hàng ngày của người dân.

Chưa đưa vào thiết chế quản lý nên xử lý khó

Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng khác với các nước trên thế giới, Việt Nam có một xã hội an toàn; không có súng, không có các loại vũ khí, công cụ đe dọa, gây mất an toàn, an ninh cho bất kỳ người dân nào.

Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới cho phép sử dụng súng đã dẫn tới nhiều vụ việc mất an toàn, an ninh cho người dân. “Bây giờ nhiều nước cũng đang nghiên cứu. Xã hội hòa bình, sống thân thiện tại sao phải có súng, tại sao phải cảnh giác lẫn nhau, phòng thủ lẫn nhau,” Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước cho biết nhiều lãnh đạo các nước, khách du lịch nước ngoài qua đều thấy xã hội Việt Nam rất an toàn. Khách nước ngoài, lãnh đạo có thể đi bất kỳ đâu. Khách du lịch đi đêm đi ngày không bị đe dọa; người dân không bị ai bắt nạt.

Tuy nhiên Chủ tịch nước cũng lưu ý: “Trong báo cáo nói rất rõ những vụ đâm chém nhau chiếm tỉ lệ lớn mà chủ yếu là dùng bằng dao nhưng chúng ta chưa đưa vào thiết chế quản lý theo luật nên xử lý khó. Xử lý vụ việc chỉ là một phần nhỏ, quan trọng là chúng ta không chấp nhận lợi dụng dao để với mục đích đâm chém.”

Theo Chủ tịch nước, dao có ý nghĩa phục vụ dân sinh là đúng nhưng có những trường hợp đi chục người mang theo mã tấu để trong cốp xe, rồi hàn những loại có cán thì không thể nói là phục vụ sản xuất được. Những loại dao, công cụ như vậy, theo Chủ tịch nước Tô Lâm là phải nghiêm cấm, kể cả lưu giữ, không được sử dụng.

“Bây giờ dao sát thương lớn lắm, kể cả dao thái lan, dao ăn,… cũng có thể làm chết người được,” Chủ tịch nước nói và khẳng định cần phải bổ sung quy định để quản lý, song vẫn tạo điều kiện cho hoạt động hàng ngày cho người dân.

“Dao để phục vụ cho sản xuất, đời sống nhưng không được có yếu tố đe dọa, không được làm ảnh hưởng đến trật tự chung. Phải có nề nếp để quản lý, đặc biệt không được lợi dụng việc đó để gây nguy hiểm cho người khác,” Chủ tịch nước lưu ý.

Cần phải quy định dao có tính sát thương cao

Cũng thảo luận tại tổ về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) cho rằng cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ khi sử dụng nhằm mục đích xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ con người là vũ khí quân dụng để có căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao.

Đại biểu Lê Nhật Thành cho biết theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm qua, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ trên 16.000 vụ, 26.000 đối tượng sử dụng các loại dao và công cụ, phương tiện tương tự dao để gây án; trong số đó đã xử lý trên 7.000 đối tượng đang trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội (chủ yếu xử lý về các hành vi là hậu quả của việc sử dụng dao, công cụ phương tiện tương tự dao).

“Tội phạm sử dụng các loại dao và phương tiện có khả năng gây sát thương tương tự dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao. Nhiều vụ là các băng, nhóm đối tượng có tổ chức gây án với tính chất rất manh động, dã man, coi thường pháp luật, nhiều vụ gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân,” đại biểu Thành nói.

Vì vậy, đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm của đối tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc định hướng hành vi của đối tượng.

dai bieu le nhat thanh.PNG
Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, nêu băn khoăn dao là đồ vật hết sức phổ biến trong sản xuất, sinh hoạt đời sống. Bà dẫn chứng khi tìm kiếm trên Google dao có lưỡi 20 cm thì ra một loạt hình ảnh các loại dao rất thông thường mà bếp nhà ai cũng có.

“Vậy muốn quản lý việc sản xuất, kinh doanh loại dao này thì không rõ mục đích của quy định này để làm gì? Nếu dao do cơ sở sản xuất ra mà bị sử dụng làm vũ khí thì cơ sở này có phải chịu trách nhiệm không?” đại biểu Thủy đặt câu hỏi và cho biết bà chưa rõ việc quản lý trong kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao để nhằm mục đích gì, có tác dụng cụ thể gì cho công tác phòng chống tội phạm.

“Đây là vấn đề băn khoăn và vướng mắc, nếu ta không giải quyết vấn đề này thì sẽ gây hệ lụy lớn vì cả nước có đến 12 làng nghề sản xuất dao, chưa kể cơ sở công nghiệp với 12.300 cơ sở doanh nghiệp, hộ kinh doanh, 22.000 người tham gia. Nếu dao làm vũ khí, hung khí để gây nguy hiểm, giết người thì hoàn toàn có thể xử lý về mặt hình sự,” đại biểu Thủy phân tích và cho rằng chỉ có trường hợp nhóm côn đồ cầm dao, kiếm mà việc kiểm tra chưa có cơ chế xử lý thì phải đi từ gốc của vấn đề.

Theo đại biểu Thủy, để ngăn trường hợp dùng dao để gây rối, vi phạm pháp luật thì nên quy định những khu vực nào, địa bàn nào không được mang dao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục