Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong từng giai đoạn, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia, làm cơ sở xác định đối tượng tác động chính sách giảm nghèo. Trong lần thứ 8 điều chỉnh, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 hướng tới xác định, nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chính xác và toàn diện hơn.
Chuẩn nghèo về thu nhập tăng hơn 110%
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025. Việc đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 gồm hai tiêu chí về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Trên cơ sở tính toán của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ước tính ngân sách thực hiện và mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất áp dụng tiêu chí về thu nhập sẽ tương ứng với chuẩn mức sống tối thiểu là 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/người/tháng, tăng 114,2%) và 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị (hiện nay là 900.000 đồng/người/tháng, tăng 122,2%).
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự báo tại thời điểm tháng 1/2021, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới chuẩn nghèo mức này, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ (tăng 2,32 triệu hộ so với năm 2020), tương ứng khoảng 17,447 triệu người.
Các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 6 dịch vụ: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm 12 chỉ số: Dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin; việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình.
Hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới mức sống tối thiểu và thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới mức sống tối thiểu và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
[Khẩn trương xây dựng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025]
Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1,5 triệu đồng đến 2,25 triệu đồng; ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, nếu áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới, theo ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%, tương ứng với 2,5 triệu hộ với 10 triệu người nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 7 %, tương ứng với 1,89 triệu hộ với 7,61 triệu người cận nghèo. Tổng nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bằng khoảng 78,3% so với giai đoạn 2016-2020.
Xác định rõ nguyên nhân nghèo
Mục tiêu của chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 là cần phản ánh khách quan thực trạng nghèo của cả nước, khu vực làm cơ sở cho việc đưa ra các chính sách, cơ chế, giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Ông Tô Đức, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết điểm mới trong các chiều dịch vụ xã hội cơ bản được bổ sung lần này có chiều về việc làm. Các tiêu chí xác định thiếu hụt việc làm gồm: Trong hộ, người trong độ tuổi lao động có việc làm hay không, việc làm đó có bền vững không, việc làm dài hạn hay mang tính chất thời vụ…
“Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang chọn cách đo lường khi xác định trong gia đình có bao nhiêu người thất nghiệp và ảnh hưởng đến cuộc sống. Những gia đình có người trong độ tuổi lao động có việc làm thì có khả năng tạo cuộc sống ổn định, thoát nghèo...,” ông Tô Đức nói.
Theo ông Tô Đức, trong hộ gia đình toàn là người già, trẻ em, người khuyết tật, như vậy không thể thoát nghèo thì sẽ xác định là đối tượng bảo trợ và không thể tác động bằng hình thức hỗ trợ việc làm mà tác phải qua chính sách bảo trợ của Nhà nước với nhóm này.
“Đối với những nhóm người nghèo kinh niên, xác định không thể thoát nghèo được thì bên cạnh hình thức hỗ trợ Nhà nước cũng căn cứ hỗ trợ bằng hình thức trợ giúp xã hội và huy động nguồn lực từ cộng đồng. Từ các chỉ số đo lường đa chiều về độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ xác định nguyên nhân nghèo và từ đó sẽ có mục tiêu, phương thức và chính sách để giảm nghèo,” ông Tô Đức nhấn mạnh.
Về lâu dài, tác động của chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giúp xác định rõ nguyên nhân nghèo để hỗ trợ người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và Nhà nước.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực về áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, làm cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đến năm 2030./.