Chuyển đổi chính trị ở Algeria và vai trò của quân đội

Trang mạng elwatan.com có bài phân tích về vai trò của quân đội Algeria đối với tương lai của đất nước trước cơn khủng hoảng chính trị chưa từng có đang diễn ra ở quốc gia Bắc Phi này.
Người biểu tình phản đối tham nhũng tập trung tại thủ đô Algiers, Algeria, ngày 19/4/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Người biểu tình phản đối tham nhũng tập trung tại thủ đô Algiers, Algeria, ngày 19/4/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trang mạng elwatan.com ngày 9/5 đã có bài phân tích về vai trò của quân đội Algeria đối với tương lai của đất nước trước cơn khủng hoảng chính trị chưa từng có hiện nay.

Sau đây là nội dung bài viết:

Câu hỏi về vai trò của quân đội trong cuộc khủng hoảng hiện nay là gì ngày càng trở nên "nóng" trong những ngày gần đây. Việc người đứng đầu Quân đội Nhân dân Quốc gia (ANP) nhiều lần tuyên bố từ chối việc từ bỏ giải pháp "quá trình hiến pháp" (tổ chức cuộc bầu cử theo Hiến pháp, dự kiến vào 4/7 tới) là "chưa phù hợp với yêu cầu của người dân Algeria."

Phong trào biểu tình đã từ chối quá trình chuyển đổi theo Hiến pháp này vì theo họ, nó đang được dẫn dắt bởi những đại diện được cho là "biểu tượng" cho chế độ của cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng ANP, Tướng Gaid Salah, người đã ép Tổng thống Bouteflika từ chức theo Điều 102 của Hiến pháp, đồng thời chính ông cũng đang ngăn cản tiến trình đưa Algeria thoát khỏi cuộc khủng hoảng đáp ứng theo yêu cầu của phong trào biểu tình. Và Algeria ngày hôm nay đứng ở giữa ngã ba đường.

Một số người đã đề xuất việc đàm phán với lực lượng quân đội.

Cách đây vài ngày, nhà xã hội học Nacer Djabi đã nói rõ trên sóng phát thanh Kênh 3 của Đài phát thanh quốc gia rằng phong trào biểu tình đã từ chối đối thoại với những người bất hợp pháp như Tổng thống tạm quyền Abdelkader Bensalah và Thủ tướng Noureddine Bedoui.

"Chúng ta phải đối thoại với những người nắm giữ quyền lực thật sự, đó là phải thương lượng với ANP," ông Nacer nói.

Nhà xã hội học này không tin vào việc có thể tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 4/7 tới và cho rằng cần "trì hoãn nó đến cuối mùa Thu tới."

Trước ông Nacer, Chủ tịch của đảng đối lập Jil El Jadid, ông Soufiane Djilali, đã đề cập đến vấn đề này trong chương trình "Khách mời của biên tập viên" của cùng kênh phát thanh trên.

Ông nói: "Mọi người đều biết rằng chính quyền đã được chuyển từ chế độ cộng hòa tổng thống sang chính quyền quân đội."

[Algeria: Em trai cựu Tổng thống bị buộc tội âm mưu chống chính quyền]

Theo ông Soufiane Djilali, tất cả mọi người đều biết rằng vì lý do lịch sử, quân đội vẫn là một yếu tố thiết yếu và giữ vai trò đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Do đó, chúng ta phải làm việc với "người có quyền thực tế", đó là quân đội.

Ông này cho rằng "người đứng đầu Nhà nước hiện nay, Tổng thống tạm quyền Bensalah, không có có quyền lực gì hay có khả năng làm gì."

Không còn nghi ngờ gì nữa, chìa khóa để kết thúc cuộc khủng hoảng đang nằm trong tay quân đội.

Theo ông Soufiane Djilali, "điều kiện chưa chín muồi cho cuộc bầu cử vào ngày 4/7."

Nếu chính quyền cố duy trì cuộc bầu cử này, điều đó có nghĩa là chính quyền có một ứng cử viên giấu mặt.

Khi chúng ta tham gia cuộc bầu cử này, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bị ràng buộc dưới danh nghĩa phải tôn trọng Hiến pháp. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp và sự tin cậy.

Trao đổi với báo Elwatan vào ngày 8/5, cựu Thủ tướng Ahmed Benbitour không đồng tình với yêu cầu đàm phán trực tiếp với quân đội.

Ông nhấn mạnh: "Nếu có các cuộc đàm phán, đó là đàm phán giữa phong trào và 'hệ thống chính quyền', đó là các cuộc đàm phán kỹ thuật để hướng tới giai đoạn chuyển tiếp ít nhất trong vòng 8 tháng. Mặt khác, ông Ahmed Benbitour nhận thấy sự cấp bách của việc hướng tới một giải pháp để khởi động những gì ông mô tả là một "kế hoạch để bảo vệ đất nước."

Ngoài ra, Chủ tịch của Đảng vì Tập hợp vì Văn hóa và Dân chủ (RCD), ông Mohcine Belabbas, cũng không ủng hộ đàm phán trực tiếp với quân đội.

"Chúng tôi có lộ trình xác định vị trí của quân đội trong quá trình chuyển đổi này", ông nói. Theo Belabbas, giải pháp rất đơn giản, chỉ cần có ý chí chính trị.

"Điều gì ngăn cản Abdelkader Bensalah và Noureddine Bedoui từ chức?" vị chủ tịch này đặt câu hỏi, đồng thời đề cập đến đề xuất của đảng RCD về việc ủng hộ thành lập một "Hội đồng chuyển tiếp tối cao."

Chuyển đổi chính trị ở Algeria và vai trò của quân đội ảnh 1Các thẩm phán Algeria biểu tình trước trụ sở Bộ Tư pháp ở thủ đô đô Algiers ngày 13/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Chủ tịch RCD, ngoài việc hóa thân vào vai trò của tổng thống, hội đồng chuyển tiếp tối cao này sẽ phải tham gia với đại diện của các đảng chính trị, các đoàn thể độc lập và các chính khách để thuyết phục và xây dựng một hiệp ước cho tất cả cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi này.

Cơ quan quyền lực cấp cao này sẽ khởi xướng và giám sát quá trình chuyển đổi quân sự sang một thể chế nhà nước dưới chính quyền dân sự, giống như tất cả các tổ chức khác.

[Algeria: Biểu tình lớn phản đối quan chức chính quyền cũ tại nhiệm]

Trong khi đó, Chủ tịch đảng Talaie El Hourriyet, ông Ali Benflis, lại có một cái nhìn khác về vai trò mà ANP phải "đóng" trong cuộc khủng hoảng ở Algeria hiện nay.

Ủng hộ việc thoát khỏi cái bẫy về một giải pháp Hiến pháp, trong một bài báo xuất bản vào giữa tháng 4 vừa qua, cựu lãnh đạo chính phủ tin rằng "chỉ có tổ chức quân sự mới có thể giúp đạt được giải pháp chuyển đổi này, đồng thời yêu cầu quân đội thực hiện nhiệm vụ yêu nước của mình và ý thức cao đối với trách nhiệm quốc gia."

Ông nhấn mạnh các lực lượng vũ trang của chúng ta sẽ không phải là nhân tố giúp kết thúc cuộc khủng hoảng hiện nay, nhưng họ có nghĩa vụ tạo điều kiện, đi cùng, bảo đảm và bảo vệ các giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.

Theo nhà xã hội học Houari Addi và nhà hoạt động vì dân chủ Djamel Zenati, trong bối cảnh căng thẳng cực độ như hiện nay, quân đội Algeria đang bị thách thức mạnh mẽ. Họ đang phải đối mặt với một lựa chọn lịch sử.

Lợi ích chiến lược của quốc gia đòi hỏi quân đội phải đứng về phía dân chúng và thực hiện giải pháp chuyển đổi.

Quân đội phải đóng vai trò là người hỗ trợ và bảo lãnh cho quá trình chuyển đổi dân chủ. Chính quyền cũ đã kết thúc. Việc muốn duy trì chế độ cũ hoặc hồi sinh nó sẽ là thảm họa.

Nghi vấn về vai trò của thể chế quân sự là trung tâm của một cuộc tranh luận quan trọng diễn ra vào thời điểm Algeria phải vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị đang làm rung chuyển đất nước Bắc Phi này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục