Chuyển đổi số - 'chìa khóa' phát triển kinh tế, xã hội ở Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng nền tảng số, dữ liệu số, hạ tầng kỹ thuật số, nhân lực số, an toàn an ninh mạng - các yếu tố hỗ trợ đồng thời là động lực thúc đẩy chuyển đổi số.
Chuyển đổi số - 'chìa khóa' phát triển kinh tế, xã hội ở Đà Nẵng ảnh 1Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng giữa Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng và Cục Tin học hóa-Bộ Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Ngày 22/3, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo chuyên gia về Đề án Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tiếp thu góp ý về dự thảo dề án, qua đó từng bước hoàn thiện nội dung, ban hành và tổ chức triển khai đề án.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận, đóng góp ý kiến về cách thức tiếp cận, định hướng việc chuyển đổi số.

Đà Nẵng tập trung chuyển đổi số ở 3 trụ cột là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Thành phố sẽ xây dựng nền tảng số, dữ liệu số, hạ tầng kỹ thuật số, nhân lực số, an toàn an ninh mạng - các yếu tố hỗ trợ, động lực thúc đẩy chuyển đổi số.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá: “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 'chìa khóa' cho triển khai Nghị quyết số 52-NQTW cũng như tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đà Nẵng phải triển khai chuyển đổi số để góp phần chuyển đổi số quốc gia thành công."

[Chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng]

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ chuyển đổi số là động lực để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố đã xuất hiện trong năm qua; góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030 Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN và tầm nhìn: thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết Đà Nẵng xác định chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; trong đó đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi; lấy xây dựng chính quyền số làm động lực, dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số.

"Để việc chuyển đổi số tại Đà Nẵng thành công, điều tiên quyết cần phải có chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, rõ ràng, dễ tiếp cận, dễ triển khai nhất, cũng như thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo thành phố thông qua Nghị quyết, Đề án. Chúng tôi rất đề cao vai trò của các chuyên gia trong góp ý, phản biện Đề án chuyển đổi số thành phố; cũng như tham gia trong suốt quá trình triển khai," ông Lê Quang Nam nhấn mạnh.

Chuyển đổi số - 'chìa khóa' phát triển kinh tế, xã hội ở Đà Nẵng ảnh 2Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Giáo sư Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thể hiện quan điểm ủng hộ quan điểm 3 trụ cột của chuyển đổi số được thành phố đưa ra. Tuy vậy, theo giáo sư Bùi Văn Ga, trong việc chuyển đổi số Đà Nẵng cần có sự khác biệt, hướng đi riêng, chẳng hạn phát triển dữ liệu qua mạng Lora; phát triển năng lượng sạch, xây dựng cơ sở trung tâm thông minh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi số.

Trong khuôn khổ của hội thảo, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng, chọn ngày 28/8 là ngày chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng; thực hiện lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng giữa Sở Thông tin và Truyền thông và Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục