Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào Tây Nguyên

Với đặc thù của vùng Tây Nguyên, vẫn còn những khoảng cách khác biệt giữa vùng đô thị với vùng nông thôn, do vậy việc triển khai chuyển đổi số không thể vội vàng.
Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào Tây Nguyên ảnh 1Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Ngày 7/4, tại thành phố Đà Lạt, Báo Nhân dân phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.”

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu có tham luận, ý kiến cho quá trình chuyển đổi số tại các vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên đạt hiệu quả.

Các tham luận tiêu biểu như: Chuyển đổi số trong nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, thực trạng và giải pháp; Chuyển đổi số và thực tiễn chuyển đổi số trong kinh tế nông nghiệp Lâm Đồng hiện nay; Thực trạng và giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp bền vững; Thực trạng và giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp bền vững tại tỉnh Đắk Nông; Tiến trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh...

['Đầu tư vào chuyển đổi số quốc gia trở thành xu hướng công nghệ ở VN']

Đáng chú ý, nhiều tham luận có tính thực tiễn cao vì đã được triển khai trực tiếp tại các đơn vị như: Áp dụng chuyển đổi số trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ; Về một mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh; Hợp tác triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp giữa Trường Đại học Đà Lạt và huyện Lạc Dương...

Theo ông Trần Đức Quận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào Tây Nguyên là một nội dung rất lớn được Đảng, Nhà nước tập trung thực hiện từ nhiều năm qua.

Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào Tây Nguyên ảnh 2Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Lâm Đồng đã triển khai chuyển đổi số từ năm 2012 trên địa bàn thành phố Đà Lạt, xây dựng chính quyền số tạo sự tương tác giữa người dân với chính quyền địa phương. Tỉnh đã tổ chức đưa thành viên của một số doanh nghiệp sang Israel để học hỏi về công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao...

Tọa đàm này có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp thu các ý kiến, trí tuệ của tổ chức, cá nhân; đóng góp các giải pháp, cách làm hay để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao chất lượng tham luận của các đại biểu tham gia tọa đàm.

Với đặc thù của vùng Tây Nguyên, vẫn còn những khoảng cách khác biệt giữa vùng đô thị với vùng nông thôn, do vậy, việc triển khai chuyển đổi số không thể vội vàng.

Từ trước đến nay, nhiều hội nghị, hội thảo về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được tổ chức, nhưng kết quả triển khai thực tế vẫn còn khiêm tốn. Bởi vậy, quá trình chuyển đổi số rất cần sự quyết liệt của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Mặt khác, cần có những chuyên gia thành thạo về kỹ năng chuyển đổi số để hướng dẫn những người khác. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tăng cương công tác tuyên truyền nội dung này; đề cao những tấm gương, kinh nghiệm hay để các tổ chức, cá nhân khác học hỏi.../.

Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào Tây Nguyên ảnh 3Một công trình điện Mặt Trời áp mái kết hợp phát triển trang trại nông nghiệp bên dưới tại địa bàn huyện Đạ Tẻh (Đắk Lắk). (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục