Chuyên gia Anh kêu gọi Thủ tướng xem lại ý định rời ĐSQ đến Jerusalem

Cựu Ngoại trưởng Anh Alan Duncan cho rằng việc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem sẽ là "bất cẩn và vô nguyên tắc" cũng như "đánh dấu một sự thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại của Anh.”
Chuyên gia Anh kêu gọi Thủ tướng xem lại ý định rời ĐSQ đến Jerusalem ảnh 1Đại sứ quán Anh tại tại Tel Aviv. (Nguồn: presstv)

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Anh đang hối thúc Thủ tướng Liz Truss xem xét lại ý định của chính phủ chuyển Đại sứ quán Anh tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, cho rằng việc di dời này có thể gây tổn hại danh tiếng của Anh cũng như an ninh trong khu vực.

Tại cuộc gặp người đồng cấp Israel Yair Lapid bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) tháng trước, Thủ tướng Liz Truss xác nhận sẽ xem xét vị trí hiện tại của Đại sứ quán Anh, theo đó có thể chuyển đến Jerusalem giống như Mỹ đã thực hiện động thái này năm 2018. 

Lập trường hiện tại của Anh là Jerusalem nên là thủ đô chung của Israel và một nhà nước Palestine, tùy thuộc vào một thỏa thuận thương lượng. Việc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem trên thực tế sẽ là công nhận thành phố này chỉ là thủ đô của Israel. Hiện nay, ngoài Mỹ, chỉ có Honduras và Guatemala đặt đại sứ quán tại Jerusalem.

Cựu Ngoại trưởng Anh Alan Duncan cho rằng việc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem sẽ là "bất cẩn và vô nguyên tắc" cũng như "đánh dấu một sự thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại của Anh.”

[Báo chí Israel: Anh xem xét chuyển đại sứ quán đến Jerusalem]

Trong một bức thư gửi tờ Financial Times, ông cảnh báo việc di dời này "sẽ hủy hoại danh tiếng của Anh về tôn trọng luật pháp quốc tế và sẽ làm tổn hại vị thế của Anh trên thế giới.”

Trong khi đó, cựu Thứ trưởng ngoại giao Alistair Burt cho rằng việc di dời này sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về Israel và Palestine mà Anh đã ủng hộ trước đây.

Một cựu quan chức ngoại giao, ông Simon Fraser cho rằng việc di dời đại sứ quán có thể báo hiệu sự “suy yếu” cam kết của Anh đối với giải pháp hai nhà nước. 

Một số quan chức khác cũng cảnh báo động thái này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực hơn đối với Anh. Cựu Tổng lãnh sự Anh tại Jerusalem Vincent Fean cho rằng động thái này sẽ “gây phản cảm với thế giới Arab và Hồi giáo” và có thể ảnh hưởng xấu đến thỏa thuận thương mại giữa Anh và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Chính phủ Anh hy vọng thỏa thuận thương mại này sẽ đem lại cho nền kinh tế Anh hơn 1,6 tỷ bảng Anh (1,8 tỷ USD) mỗi năm.

Ông Fean nhận định thêm rằng động thái này cũng có thể gây ảnh hưởng rõ rệt về an ninh, lưu ý rằng hơn 50 người Palestine đã thiệt mạng sau vụ chuyển đại sứ quán Mỹ. 

Hiện tại, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết công việc đánh giá tác động đang được tiến hành, nhưng chính phủ chưa đề ra thời gian biểu quyết định chính thức vấn đề này.

Bất đồng về vấn đề này cũng thể hiện ngay trong đảng Bảo thủ. Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ William Hague cảnh báo không nên thực hiện bất kỳ động thái nào liên quan việc chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem, cho rằng điều này sẽ khiến Anh có chính sách đối ngoại tương tự chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Các nghị sỹ trong đảng Bảo thủ cũng bày tỏ lo ngại về phản ứng của các cử tri Hồi giáo và tác động rộng lớn hơn của động thái này đối với lợi ích chính sách đối ngoại của Anh cũng như sự ổn định của khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục