Chuyên gia: EPR giúp Việt Nam xây dựng nền công nghiệp 'tái chế xanh'

EPR được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam hình thành ngành công nghiệp tái chế hiện đại, điều hướng các nguồn rác thải phục vụ tái chế vào các cơ sở tái chế thân thiện môi trường.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Khẳng định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong việc hỗ trợ xử lý chất thải và kinh tế tuần hoàn có quan hệ mật thiết với nhau, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra lộ trình thực hiện phù hợp, bởi đây là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam giải quyết vấn đề rác thải đại dương hiện nay, cũng như hình thành nền công nghiệp tái chế “xanh” hiện đại.

Động lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn

Chia sẻ về ý nghĩa của việc thúc đẩy thực hiện EPR nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng EPR và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có EPR. 

[Nói không với rác thải nhựa: Không thay đổi, rác sẽ nhiều hơn cá]

Trên tinh thần đó, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là một trong những công cụ giúp tái cấu trúc hệ thống quản lý chất thải hiện nay. 

"Mặc dù vẫn còn một số ý kiến cho rằng EPR là gánh nặng của doanh nghiệp, song nhìn dưới góc độ khái quát hơn, rộng hơn, theo chúng tôi, EPR là cơ hội chia sẻ gánh nặng của các bên. Cơ hội để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và môi trường,” ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, EPR cũng là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp tái chế hiện đại, điều hướng các nguồn rác thải phục vụ tái chế vào các cơ sở tái chế thân thiện môi trường đồng thời giúp Việt Nam giải quyết vấn đề rác thải đại dương hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cho rằng hiện nay, không chỉ ở các nước phát triển mà nhiều quốc gia đang phát triển cũng đã triển khai áp dụng EPR. Thực tế, các doanh nghiệp lớn đều mong muốn phát triển bền vững và sẵn sàng nguồn lực để xây dựng lộ trình phát triển, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.

Theo ông Fausto Tazzi, EPR là cách tốt nhất bảo đảm tiền chi phí của doanh nghiệp được phân bổ phù hợp để có thể quản lý rác thải khi đã hết chu kỳ sử dụng.

Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có trách nhiệm mở rộng của tất cả các bên chứ không chỉ là nhà sản xuất, bởi tỷ lệ thu gom, tái chế rác còn phụ thuộc vào hành vi người tiêu dùng (như trong phân loại rác), cũng như những cải tiến cần có trong quản lý rác thải và quản lý của Chính phủ.

Ngoài ra, việc thực thi nghiêm túc các quy định về EPR vừa thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, vừa là cơ hội phát triển, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Fausto Tazzi ủng hộ việc xây dựng và thực thi các quy định về EPR tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Cần xây dựng tỷ lệ tái chế phù hợp

Mặc dù EPR được nhận định là động lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, song nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần có sự khảo sát kỹ càng, tin cậy về tỷ lệ tái chế trên thực tế ở nước ta để đặt ra tỷ lệ tái chế phù hợp; nếu đặt ra tỷ lệ tái chế thấp hơn thực tế thì EPR mất tác dụng, nếu cao quá so với tỷ lệ này thì không khả thi.

Chuyên gia: EPR giúp Việt Nam xây dựng nền công nghiệp 'tái chế xanh' ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam, để thực hiện EPR cần thời gian dài, do đó Việt Nam không nên vội vàng đặt ra tỷ lệ tái chế quá cao, bở nếu tỷ lệ này quá cao sẽ tác động rất lớn đến lộ trình phát triển và sản xuất hiện có của các doanh nghiệp. Việt Nam cần tiếp cận và triển khai từng bước trong lộ trình thực thi EPR, bắt đầu từ tỷ lệ tái chế phù hợp, sau đó tăng dần theo đúng quy định.

“Như tôi đã nói, EPR là phương pháp hiệu quả và đỡ tốn kém nhưng cần triển khai theo cách tiếp cận từng bước, có nền tảng đủ mạnh và vững chắc,” ông Fausto nói.

[Việt Nam kêu gọi ASEAN "chung sức" giải quyết các vấn đề ô nhiễm]

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch chi hội nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lại cho rằng tỷ lệ tái chế bắt buộc hiện nay vẫn còn thấp nên sản phẩm đầu vào chưa tương xứng với tiềm lực tái chế của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về nhập khẩu phế liệu tái chế. Theo thống kê, đã có hơn 70 doanh nghiệp hoạt động tái chế được cấp phép. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có tiềm lực rất lớn về tái chế tại các làng nghề. Với hơn 2 triệu lao động đang hoạt động tái chế tại Việt Nam, tỷ lệ tái chế như quy định sẽ không đáp ứng đủ nguyên liệu đầu vào trong nước cho hoạt động này.

“Tuy nhiên, các quy định về EPR trong dự thảo Nghị định là tuy duy đổi mới, mang tính đột phá của các nhà làm luật. Khi được thực thi. Các quy định này là công cụ hữu hiệu giải quyết các vướng mắc hiện tại của ngành tái chế nói riêng và các ngành nghề khác nói chung,” ông Vượng chia sẻ thêm.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hồng Phượng, chuyên gia pháp lý cho rằng trước khi Việt Nam áp dụng các quy định EPR, hoạt động tái chế tại Việt Nam vẫn khá phát triển. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ dừng ở việc thu gom, tái chế những sản phẩm có giá trị, còn đối với dòng sản phẩm không có giá trị vẫn chưa thu gom và tái chế.

Theo bà Phượng, những tồn tại trên chỉ có thể được giải quyết khi Việt Nam xây dựng và thực thi hiệu quả các quy định EPR, bởi đây là cách tốt nhất để huy động trách nhiệm của tất cả cộng đồng vào công cuộc thu gom và hạn chế chất thải./.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang tiếp tục lùi lộ trình thực hiện tái chế một số sản phẩm, bao bì. Dự kiến, thời gian thực hiện sớm nhất là từ ngày 1/1/2024 và một số sản phẩm từ 1/1/2025.

Về lộ trình thực hiện trách nhiệm hỗ trợ xử lý chất thải, tiếp thu kiến nghị của các tổ chức môi trường và đề nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Tổ biên tập dự thảo Nghị định đề xuất chỉnh lý thời điểm thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải là từ ngày 1/1/2022 theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục