Chuyên gia Mỹ đánh giá ý nghĩa tích cực của đối thoại cấp cao Mỹ-Trung

Đa số các ý kiến đều cho rằng cuộc hội đàm không cải thiện đáng kể quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh nhưng là cơ hội để hai bên hiểu rõ về quan điểm của nhau và là tiền đề để cải thiện quan hệ.
Chuyên gia Mỹ đánh giá ý nghĩa tích cực của đối thoại cấp cao Mỹ-Trung ảnh 1Quang cảnh đối thoại cấp cao về an ninh và đối ngoại Mỹ và Trung Quốc tại Alaska, Mỹ ngày 18/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dư luận tại Mỹ, nhất là giới học giả uy tín, đặc biệt quan tâm tới cuộc đối thoại quan chức cấp cao Mỹ-Trung Quốc tại Alaska vừa kết thúc ngày 19/3.

Đây là cuộc gặp quan trọng đầu tiên giữa hai nước dưới thời Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sau 4 năm quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ, đánh giá về ý nghĩa tích cực của sự kiện, Giáo sư Khoa học Chính trị và các vấn đề quốc tế của Đại học Mary Washington, bà Elizabeth Freund Larus cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần đối thoại trực tiếp để có thể truyền đạt thông điệp đến cho nhau một cách chân thực nhất.

Trong nhiều tháng, giới chức hai bên không gặp nhau, một phần là do các cuộc đàm phán về vấn đề thương mại không đạt tiến triển đáng kể. Lý do quan trọng hơn là do hai nước đều tập trung cho những sự kiện chính trị trong nước.

Mỹ tập trung cho cuộc bầu cử tổng thống và kiện toàn nhân sự trong chính quyền mới. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tiến hành Kỳ họp thứ tư Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp Toàn quốc) Khóa XIII và Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội) Trung Quốc Khóa XIII.

[Hội đàm cấp cao Mỹ-Trung kết thúc không có tuyên bố chung]

Việc bố trí một cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung sau sự kiện này của Trung Quốc sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách của Mỹ hiểu rõ hơn về các ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc.

Như vậy, với vai trò và vị thế trên trường quốc tế, các quan chức cấp cao của hai cường quốc hàng đầu thế giới đều có nhu cầu thảo luận về những bất đồng và những vấn đề cùng quan tâm cũng như tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Do đó, cuộc đối thoại đã mang lại cơ hội để hai bên cùng đánh giá nghiêm túc về quan hệ song phương cũng như những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ song phương.

Ngoài ra, Giáo sư Elizabeth Freund Larus đồng quan điểm với đa số các chuyên gia phân tích chính trị khác tại Mỹ về kết quả của cuộc hội đàm. Theo đó, đa số các ý kiến đều cho rằng cuộc hội đàm không cải thiện đáng kể quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Hai bên bày tỏ những quan điểm khác nhau trong một số vấn đề. Kết quả của sự kiện không nằm ngoài dự đoán, nhưng bà cho rằng cuộc hội đàm vẫn có giá trị tích cực nhất định trong quan hệ song phương khi quan chức cấp cao của hai bên có cơ hội gặp gỡ, hiểu rõ hơn về những ưu tiên chính sách của đối phương, tạo đà cho các cuộc hội đàm có tính xây dựng hơn trong tương lai.

Chuyên gia Mỹ đánh giá ý nghĩa tích cực của đối thoại cấp cao Mỹ-Trung ảnh 2Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan trả lời họp báo về kết quả hội đàm. (Nguồn: The New York Times)

Đánh giá về các bước đi để cải thiện quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian tới, chuyên gia cao cấp David Dollar của Viện Brookings cho rằng cả hai bên sẽ còn nhiều vấn đề chưa thể thống nhất quan điểm, nhưng không nên chú trọng quá mức đến những bất đồng.

Mỹ sẽ duy trì lợi ích của mình khi ngăn không cho những bất đồng này leo thang thành xung đột. Để thực hiện, hai bên có thể bắt đầu bằng những động thái tương đối đơn giản như mở cửa lại các lãnh sự quán và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhà báo từ hai nước.

Một số động thái tích cực như vậy sẽ có tác dụng xây dựng lòng tin, đặt nền tảng để hai bên có thể giải quyết những bất đồng lớn hơn. Chuyên gia này hy vọng quan hệ Mỹ-Trung sẽ đạt được một số tiến triển trong quan hệ song phương sau cuộc hội đàm lần này.

Trong khi đó, chuyên gia Daniel Russel - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh quốc tế và ngoại giao của Viện Chính sách xã hội châu Á (ASPI), cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cũng bày tỏ hy vọng rằng cuộc hội đàm sẽ là điểm khởi đầu để hai nước cài đặt lại quan hệ song phương, là bước đi đầu tiên trên hành trình hướng tới một mối quan hệ mới mang tính xây dựng, cân bằng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo ông, các yếu tố hợp tác và cạnh tranh, thậm chí là đối đầu trong quan hệ Mỹ-Trung ở những mức độ khác nhau luôn tồn tại song hành. Do đó, việc hai bên không đạt được thỏa thuận không phải là một thất bại, mà là một điểm khởi đầu.

Như vậy, mặc dù triển vọng cải thiện quan hệ Mỹ-Trung trong ngắn hạn vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, song một số chuyên gia Mỹ vẫn tìm ra những điểm tích cực nhất định xung quanh cuộc đối thoại cấp cao Mỹ-Trung lần này.

Theo họ, dù không đủ để tạo ra bước đột phá nhưng đây cũng là một chỉ dấu đặt nền móng cho các cuộc hội đàm tiếp theo và khẳng định rằng hai bên luôn nỗ lực tìm tiếng nói chung để cùng nhau giải quyết những bất đồng, góp phần tích cực nhằm duy trì hòa bình, ổn định của thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục