Chuyên gia Mỹ đề cao ý nghĩa của Công ước UNCLOS đối với các nước nhỏ

Ông Gregory Poling, một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Biển Đông, đã nêu bật hai lý do về tầm quan trọng của UNCLOS 1982 đối với các nước nhỏ và đang phát triển.
Chuyên gia Mỹ đề cao ý nghĩa của Công ước UNCLOS đối với các nước nhỏ ảnh 1Chuyên gia Gregory Poling. (Nguồn: TTXVN)

Nhận định về tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Biển Đông, đề cao vai trò của Công ước đối với các nước nhỏ và đang phát triển.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Mỹ, chuyên gia Poling cho rằng văn kiện này có ý nghĩa quan trọng vì hai lý do chính.

Thứ nhất, UNCLOS 1982 tạo ra một hệ thống bình đẳng hơn cho tất cả các quốc gia trong việc tiếp cận và quản lý các nguồn tài nguyên biển cũng như được hưởng các quyền của mình. Văn kiện đã mang lại cho các nước đang phát triển và các quốc gia ven biển một tiếng nói lớn hơn, ít nhất là ở khu vực Biển Đông.

Thứ hai, UNCLOS 1982 là hiệp ước quốc tế được chấp nhận rộng rãi nhất sau Hiến chương Liên hợp quốc. Mọi thành viên trong hệ thống quốc tế đều có vai trò trong việc định hình công ước này. Văn kiện này lập kỷ lục thế giới về số quốc gia ký hiệp ước trong một ngày - ngày mở ký chính thức 10/12/1982.

[Chuyên gia Indonesia khẳng định vai trò của UNCLOS trong xây dựng COCư

Về vai trò của UNCLOS 1982 trong việc giải quyết tranh chấp biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chuyên gia Polling cho rằng văn kiện này đã đặt ra những giới hạn cho những tranh chấp, đồng thời tạo ra một quy tắc thống nhất về cách thức thực hiện các yêu sách hàng hải.

UNCLOS 1982 đặt ra giới hạn về những gì các quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền để các tranh chấp có giới hạn rõ ràng (quy định rõ về ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa).

Hầu hết các quốc gia hiện nay đã xác định rất rõ vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Văn kiện này đã làm cho việc giải quyết các tranh chấp khả thi hơn và buộc các quốc gia phải làm rõ các yêu sách trong nhiều trường hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục