Chuyên nghiệp hóa hoạt động công chứng tại Hà Nội

Sau khi Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính, khối lượng công việc của ngành tư pháp tăng cao, gấp 4 lần so với trước.
Sau khi Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính, tư pháp là một trong số những ngành có số lượng đầu việc và khối lượng công việc được bổ sung mở rộng cao nhất, gấp 4 lần so với trước. Vượt qua thách thức này, cán bộ, công chức ngành tư pháp Thủ đô đã chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện hiệu quả đồng bộ các hoạt động của ngành, trong đó công tác xã hội hóa hoạt động công chứng là một trong những chuyển biến tích cực được ghi nhận.

Trăn trở về quy mô


Công tác xã hội hóa hoạt động công chứng với việc cho phép ra đời các văn phòng công chứng hoạt động song song cùng các phòng công chứng nhà nước là chủ trương thông thoáng nổi bật của Luật Công chứng. Đây là quy định được thực hiện với mục tiêu trả lại đúng tính chất của hoạt động công chứng, nên ngay khi mới được triển khai, quy định đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của xã hội.

Khi mới đi vào thực hiện, hai luồng ý kiến khác nhau đã xuất hiện. Một luồng ý kiến mong muốn các quy định và tinh thần thông thoáng của Luật Công chứng sớm đi vào cuộc sống với sự xuất hiện hàng loạt các văn phòng công chứng vừa tạo sự cạnh tranh lành mạnh với các phòng công chứng nhà nước, vừa góp phần giảm tải khối lượng công chứng ngày càng nhiều trên địa bàn Thủ đô. Một luồng ý kiến khác lại đề xuất hạn chế tốc độ phát triển về số lượng các văn phòng công chứng vì thận trọng và lo ngại về chất lượng, hậu quả từ các văn bản công chứng kém chất lượng, chưa kể đến những nghi ngại về trình độ công chứng viên cũng như sự minh bạch tại các văn phòng công chứng này.

Trước tình hình đó, Sở Tư pháp Hà Nội đã chủ động tham khảo mô hình tổ chức, hoạt động công chứng của một số nước phát triển về “công chứng tư” trên thế giới, cân nhắc về nhu cầu công chứng thực tế xuất phát từ sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, từ đó thống nhất cần mở rộng mô hình văn phòng công chứng theo hướng phát triển bền vững đi đôi với hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Hà Nội cho phép ra đời các văn phòng công chứng nhưng không mở rộng ồ ạt mà theo lộ trình từng bước, có xem xét tới việc quản lý các văn phòng này có vượt quá “tầm với” hay không.

Qua 5 năm triển khai, đến nay, ngoài 10 phòng công chứng nhà nước, trên địa bàn Hà Nội đã có thêm 93 văn phòng công chứng với tổng số trên 230 công chứng viên đang hoạt động trải khắp địa bàn thành phố. Các văn phòng công chứng này thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, không chỉ giúp giảm tải cho các phòng công chứng của thành phố mà còn đáp ứng tốt nhu cầu công chứng, giao dịch của các tổ chức, công dân.

Người dân Thủ đô không còn phân biệt giữa các phòng công chứng của thành phố với văn phòng công chứng, mà chỉ có sự so sánh, đánh giá về chất lượng hoạt động của từng tổ chức hành nghề công chứng, từng công chứng viên cụ thể.

Nâng tầm chuyên nghiệp hóa

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xã hội hóa hoạt động công chứng, Sở Tư pháp đã tham mưu và được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép thành lập Hội công chứng thành phố Hà Nội. Hội ra đời nhằm nâng cao vai trò tự quản của hội nghề nghiệp, giúp đỡ nghiệp vụ cho các văn phòng công chứng, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm chung giữa các tổ chức hành nghề công chứng.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã xây dựng đề án Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố và Quy chế phối hợp quản lý trong lĩnh vực công chứng quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội để trình Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành.

Đặc biệt, để góp phần bảo đảm an toàn pháp lý, hạn chế rủi ro cho việc công chứng các hợp đồng, Sở Tư pháp Hà Nội đã phối hợp với Hội công chứng thành phố và các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn xây dựng chương trình quản lý thông tin ngăn chặn và thông tin về hợp đồng, giao dịch đã công chứng. Mục đích của hệ thống thông tin ngăn chặn và cảnh báo này là hạn chế việc thực hiện đồng thời nhiều giao dịch đối với một tài sản, hạn chế việc công chứng đối với giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đã có quyết định thu hồi, đã bị hủy, bị mất... đồng thời, giúp hạn chế việc sử dụng văn bản công chứng giả tham gia giao dịch, đăng ký biến động, đăng ký giao dịch bảo đảm.

Với việc Sở đứng ra làm đầu mối liên kết, đã có 93/96 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố tham gia và cùng nhau chia sẻ hơn 1.000.000 thông tin trong chương trình. Những thông tin này được các công chứng viên đánh giá cao về hiệu quả sử dụng, rút ngắn thời gian thẩm định và hạn chế rủi ro nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Tú, Trưởng văn phòng công chứng Nguyễn Tú, cho biết từ sau khi chương trình quản lý thông tin ngăn chặn được đưa vào sử dụng, bất kể hồ sơ nào đến văn phòng đề nghị công chứng cũng đều được các cán bộ trong Văn phòng công chứng Nguyễn Tú tra cứu ngay trong kho dữ liệu, qua đó đã loại trừ khá nhiều hồ sơ có dấu hiệu giao dịch bất hợp pháp, đồng thời phát hiện được nhiều thông tin có đề nghị ngừng giao dịch hoặc ngăn chặn giao dịch của cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch công chứng.

Tuy nhiên, ông Tú cũng kiến nghị các thông tin hiện nay trong kho dữ liệu còn chưa đầy đủ, trong thời gian tới cần bổ sung thêm từ nhiều cơ quan đơn vị liên quan (như các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát…) mới bao quát kịp thời diễn biến giao dịch, hợp đồng tại hầu hết các mảng, lĩnh vực cần công chứng.

Trong chương trình quản lý thông tin ngăn chặn này còn có một nguồn thông tin quan trọng được thống kê, cập nhật từ Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã về những trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đã có quyết định thu hồi, đã bị hủy hoặc đã bị mất. Hiện tại, chương trình đã thống kê được dữ liệu của 21/29 quận, huyện, thị xã và trong thời gian tới sẽ tiếp tục được cập nhật từ các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và những quận, huyện còn lại.

Đại diện đơn vị trực tiếp phụ trách việc kết nối dữ liệu, ông Lã Hoàng Hưng (Phó phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội) đánh giá cao chất lượng của những thông tin này và cho rằng: “Chỉ riêng việc công bố công khai thông tin đó đã giúp giảm thiểu khả năng gian lận, lừa đảo trong quá trình công chứng những loại hồ sơ này.”

Ông Hưng cho biết thêm đã có nhiều, tỉnh, thành khác trên cả nước thử triển khai chương trình quản lý thông tin ngăn chặn này, tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Tư pháp, chưa nơi nào triển khai hiệu quả như tại thành phố Hà Nội. Phát huy lợi thế này, sắp tới, Sở Tư pháp sẽ trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chương trình. Nếu làm được điều này, sẽ có đông đảo các cơ quan chức năng như tài nguyên môi trường, cơ quan tố tụng các cấp... cùng phải có trách nhiệm cập nhật thông tin để tạo thành kho dữ liệu hoàn chỉnh, đầy đủ, kịp thời, giúp giảm tối đa các giao dịch bất hợp pháp.

Con số hơn 830.000 hợp đồng, thu trên 540 tỷ đồng tiền lệ phí và thù lao công chứng, nộp ngân sách 120 tỷ đồng... của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 5 năm qua là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng.

Các văn phòng công chứng đã dần khẳng định được vai trò, vị trí và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp của mình. Đây là bước “chuyển mình” mạnh mẽ của công chứng Thủ đô, giúp đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô./.

Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục