Lính đảo chìm đón Tết

Chuyện người lính đảo chìm đón Tết ở Trường Sa

Tết đến với lính đảo chìm ở Trường Sa giữa biển cùng tiếng sóng vỗ ầm ầm vào bờ,  tiếng gió rít vào cửa nghe buồn đến nao lòng.
Một mùa xuân mới lại đến, mọi người đang hối hả làm nốt những công việc cuối năm để bước sang một năm mới. Tết đến là thời gian trở về sum họp cùng gia đình, bạn bè, là lúc chuẩn bị vật phẩm, đồ dùng cho hương vị ngày Tết.

Thế nhưng, nơi hải đảo xa xôi vẫn còn có những người lính hải quân trên các đảo ở Trường Sa ngày đêm canh gác nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Tết đến với lính đảo chìm ở Trường Sa chỉ quanh quẩn trong hòn đảo với những căn nhà 3 tầng lọt thỏm giữa biển cùng tiếng sóng vỗ ầm ầm vào bờ,  tiếng gió rít vào cửa nghe buồn đến nao lòng.

Ngoài những hương vị đặc trưng ngày Tết phải có bánh chưng, thịt lợn thì lính đảo cần và mong muốn nhất trong bữa ăn là có rau xanh, thứ thực phẩm khiến người lính đảo chìm chăm chút hơn cả bản thân mình.

Và hương vị ngày Tết còn đậm đà nhờ “món ăn tinh thần” duy nhất trên đảo: câu cá ngày Tết.

Ăn Tết ngon nhất là… rau xanh

Ra Trường Sa mà chưa đến đảo chìm là chưa biết, chưa cảm nhận đầy đủ về người lính đảo xa. Các hòn đảo chìm như Đá Đông, Đá Tây, Đá Nam, Đá Lát, Tiên Nữ, Cô Lin, Len Đao… với những rặng san hô đẹp, nước biển xanh ngắt khiến ai cũng trầm trồ khen ngợi.

Ấy vậy, có mấy ai biết được rằng, đằng sau sự tuyệt mỹ mà thiên nhiên ban tặng cũng chính là những vất vả, khó khăn mà những người lính đảo chìm phải chống chọi, đối mặt.

Khi tàu hải quân HQ996 tới đảo Đá Thị, nhìn từ xa, đảo được bao bọc trong vòng tròn của những con sóng vỗ vào rặng san hô rộng đến hơn cây số. Đá Thị như một lô cốt với căn nhà 3 tầng sơn màu vàng lọt thỏm giữa biển khơi.

Tàu cập cảng cũng là lúc các hàng hóa được chuyển lên đảo. Những người lính vội vã khuân những nhu yếu phẩm phục vụ ngày Tết được gửi ra.

Tại căn bếp vỏn vẹn được gần 20m2, Trung úy Nguyễn Thanh Phúc đang tỉ mẩn xén từng cọng rau cải dài cỡ ngón tay để phục vụ cho bữa ăn ngày Tết. Vừa cắt rau, anh Phúc vừa nói: “"Đất để trồng rau ở đây là từ đất liền gửi ra đấy. Chỉ mùa gió lặng anh em mới trồng được vài chậu cải để nấu canh, còn mùa biển động có được cọng rau ăn là cả một kỳ tích ở đảo.”

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Phúc kể về chuyện lính đảo chìm gian nan vất vả trồng rau ở nơi mà điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, độ mặn trong không khí rất cao, thường xuyên phải chống chọi với cái nắng, nóng như đổ lửa, có khi là những cơn bão điên cuồng của biển khơi.

Bằng giọng hồ hởi, anh Phúc kể, để có được rau xanh trong những ngày Tết, lính đảo phải dày công che chắn, chăm sóc rau như con thơ trong thời gian dài.

“Gió biển không chỉ thổi ào ạt mà còn mang theo muối mặn trong không khí, nếu không che chắn thì không cây rau nào chịu được,” anh Phúc lý giải.

Nhưng với đảo chìm, trồng rau khổ nhất là khi biển động hay áp thấp nhiệt đới, những đợt sóng biển ầm ầm đổ úp nước mặn lên tận nóc nhà khiến lính đảo lại phải vật lộn với sóng gió để che chắn cho vườn rau.

“Ấy thế mà có những lúc không thể cứu được. Rau ngấm nước mặn cứ rũ ra. Mỗi lần như vậy lại phải mất tới dăm ba bữa, nửa tháng mới tạo dựng lại được vườn rau. Nhìn rau ngả xuống chết mà thấy xót ruột lắm anh ạ,” anh Phúc trầm ngâm nói.

Có rau ăn Tết, ngoài những ca trực, lính đảo như anh Phúc phải thức đêm, che chắn từng cơn gió mạnh hay đợt mưa bão để rau không bị dập nát.

Anh Phúc tự hào khoe: “Trồng rau là nhiệm vụ rất vất vả và khó khăn. Không phải đảo nào cũng trồng được nhiều. Rau được coi là món 'đặc sản,' mỗi tháng bộ đội chỉ được 'thưởng thức' từ ba đến bốn bữa mà thôi.”

Khi bữa cơm đã tươm tất, bát canh hay đĩa rau luộc được trịnh trọng đặt giữa bàn ăn. Nhìn thành quả lao động sau bao ngày, mọi người ai cũng cười và tự hào vì đã tự cải thiện đời sống vốn quá khó khăn nơi đảo chìm.

Câu cá ngày Tết

So với đảo nổi, đảo chìm có thể đánh bắt hải sản dễ hơn bởi địa thế. Những con tôm, con cá cũng là nguồn thực phẩm sẵn có để cải thiện bữa ăn thường nhật cho lính đảo.

Sự thiệt thòi lớn nhất của lính đảo trong những ngày Tết chính là thiếu thốn về tinh thần và giải trí. Nhằm vơi đi nỗi nhớ nhà, anh em chiến sĩ trên đảo tận dụng thời gian quý giá không phải canh gác để thư thái bằng cách đi câu cá, bắt ốc giữa biển khơi.

Tại khu sinh hoạt của đảo, cần câu và lưới bắt cá cũng được xếp gọn gàng vào góc.

Nhớ lại Tết năm ngoái, Thiếu úy Đinh Thành Trung đảo Đá Nam vác cần đi câu đúng ngày mùng hai Tết thì tóm được mấy con cá mú, cá thu để về ăn khao cùng lính đảo.

"Đời lính đảo là thế anh à, chỉ biết làm bạn với sóng gió. Bốn bể chỉ là đại dương mênh mông. Những lúc Tết đến nghe tiếng sóng mà buồn đến nao lòng. Ngoài thời gian hỏi thăm chúc Tết gia đình, anh em lại vác cần câu, buông lưới hay đi nhặt ốc để đỡ buồn,” thiếu úy Trung chia sẻ.

Quê ở vùng chiêm trũng huyện Bình Lục, Hà Nam,  anh Trung ra đảo được bốn năm, ăn hai cái Tết xa nhà, vì thế với anh, Tết trên đảo chìm cô độc và da diết nỗi nhớ nhà. Để nhớ về không khí ngày Tết quê, anh lại vác cần đi câu cá như phong tục tại làng đã có từ bao đời nay.

“Ở các làng quê miền Bắc, mỗi dịp Tết đến xuân về có một món ăn mà nhà nhà đều rậm rịch chuẩn bị, đấy là món cá nướng. Còn gì sung sướng hơn khi vừa được nhâm nhi ly rượu, vừa được xơi cái món thơm phưng phức và nóng hổi ấy,” anh Trung hóm hỉnh nói.

Theo anh Trung, ở đảo, anh em bắt được con cá rồi đem nướng, khi đó mùi cá đườm đượm quyện trong mùi khói, mùi lửa xộc thẳng lên mũi tạo nên một thứ mùi đặc trưng khó tả. Nó giản dị, quen thuộc mà nồng nàn ấm áp thôn quê… Cái ấm áp ấy tạo nên một thứ hương vị khó quên ngày Tết.

“Dù câu được ít hay nhiều, đi câu đầu năm là một thú vui đặc biệt của dân câu, là một cách hòa mình vào cùng thiên nhiên, cảm nhận khí xuân trong lành. Và con cá cũng như tượng trưng cho cái lộc của trời đất, báo hiệu một năm mới an lành no ấm,” anh Trung tâm sự.

Vậy là, Tết cũng đã đến trên mọi miền quê hương, ở nơi đảo xa xôi, các anh, những người lính đảo chìm với bao vất vả, khó khăn trong đời sống sinh hoạt nhưng vẫn tự biết cách tìm cho mình những cảm xúc, không khí Tết dù chỉ là mùi vị trong món ăn để nhớ về quê hương. Chia tay những chiến sĩ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên đảo, chúng tôi thấy sự hy sinh thầm lặng của lính đảo thật đáng cao quý và trân trọng./.

Đỗ Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục