Chuyển trạm thu phí Định Quán ở QL20 đến nơi mới

Ngày 3/4, UBND Đồng Nai làm việc với chủ đầu tư dự án QL 20 để bàn di dời Trạm thu phí Định Quán - vấn đề thu hút quan tâm dự luận.
Ngày 3/4, Ủy ban Nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã làm việc với chủ đầu tư dự án Quốc lộ 20 để bàn phương án di dời Trạm thu phí Định Quán - vấn đề thu hút sự quan tâm của dự luận thời gian qua.

Theo ông Ngô Sỹ Bảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, mỗi ngày trên địa bàn huyện này có hơn 170 đầu xe phải trả phí ở Trạm thu phí Định Quán. Đây là gánh nặng cho các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Trạm thu phí Định Quán cũng cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bởi nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào khu công nghiệp của huyện nhưng với việc xe chở hàng hóa khi ra, vào huyện Tân Phú phải chịu thu phí, nên các doanh nghiệp đã rút lui.

Ông Bảng bức xúc: “Đầu tư BOT để làm đường ở Lâm Đồng, nhưng chủ đầu tư lại lập thêm trạm thu phí ở Đồng Nai, vô lý như thế nhưng nhiều năm qua trạm thu phí này vẫn hoạt động. Trong thời gian chờ đợi di dời, chúng tôi đề nghị Trạm Định Quán dừng ngay việc thu phí.”

Cùng quan điểm với ông Bảng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Trương Văn Vở nói: "Dự án BOT làm đường từ Đức Trọng đến Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng, ở Lâm Đồng chủ đầu tư đã lập 2 trạm thu phí. Tháng 10/2012, khi làm việc với hai tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng để rà soát lại các trạm thu phí trên Quốc lộ 20, Bộ Giao thông Vận tải đã hứa sẽ bỏ trạm thu phí ở huyện Định Quán trong quý 4/2012.

Tuy vậy, đến nay lời hứa này vẫn chưa được thực hiện, thậm chí mức phí qua trạm này còn tăng lên, khiến cử tri bức xúc. Vừa qua, chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải và được Bộ trả lời "việc xóa bỏ Trạm thu phí Định Quán là bất khả thi!"

Theo giải thích của Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư, việc sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 20 được tiến hành theo hình thức BOT, ngoài nguồn vốn tự bỏ ra, nhà đầu tư phải đi vay vốn của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) và theo quy định, nhà đầu tư đã phải thế chấp quyền thu phí tại BIDV để vay vốn. Trạm thu phí Định Quán là trạm có doanh thu lớn (chiếm trên 55% tổng doanh thu), nếu bỏ trạm này thì dự án sẽ không hoàn được vốn đầu tư.

Đại diện chủ đầu tư cho biết vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản về việc di dời trạm thu phí. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Đồng Nai tiến hành khảo sát vị trí đặt trạm mới. Theo sự nhất trí của tỉnh Đồng Nai, trạm thu phí Định Quán sẽ được dời về vùng giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Sau khi tìm được địa điểm phù hợp tại vùng giáp ranh, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng trạm thu phí mới, phấn đấu trong quý 3 năm nay sẽ có trạm mới thay thế trạm Định Quán.

Tại cuộc họp, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh Đồng Nai đồng ý với phương án di dời trạm thu phí Định Quán về vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Song vị trí đặt trạm phải đảm bảo an toàn giao thông, không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trước mắt, Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phú thống kê số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải trên địa bàn để nộp cho chủ đầu tư và đề nghị xe của các đơn vị này khi đi qua qua trạm thu phí Định Quán thì không phải nộp phí./.

Công Phong (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục