Cơ quan quản lý giao thông công cộng tích hợp đầu tiên tại Việt Nam

Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng sẽ được tổ chức lại, đổi tên thành Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, tại địa chỉ 27 Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1.
Cơ quan quản lý giao thông công cộng tích hợp đầu tiên tại Việt Nam ảnh 1Điểm đón trả khách tại Trạm điều hành xe buýt Bến Thành mới. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 26/1, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh công bố Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 9/1/2018 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tổ chức lại Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố.

Theo đó, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng sẽ được tổ chức lại, đổi tên thành Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, hoạt động tại địa chỉ 27 Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Một số nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố như xây dựng kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố và các tỉnh liền kề; tham mưu chính sách về vốn, giá vé, mức trợ giá giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng; quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thuộc hệ thống giao thông công cộng; tiếp nhận, kiểm tra và thanh quyết toán tiền trợ giá cho các doanh nghiệp vận tải; cấp phù hiệu, biển hiệu cho xe ôtô tham gia kinh doanh vận tải hành khách đường bộ…

[Thành phố Hồ Chí Minh tham vấn mô hình xe buýt nhanh của Thụy Điển]

Từ năm 2018-2020, hệ thống giao thông cộng cộng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục và bắt đầu tiếp nhận các mô hình dịch vụ mới như xe buýt nhanh số 1, metro số 1.

Lúc này Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ đảm nhận công tác quản lý và điều hành toàn bộ hệ thống xe buýt, xe buýt nhanh, taxi, buýt đường thuỷ và một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của Sở Giao thông Vận tải thành phố.

Còn từ năm 2030 trở đi, sau khi hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện theo quy hoạch, tuyến metro số 1 và số 2 hoàn thành, đưa vào khai thác, giao thông cộng cộng đảm nhận từ 20-30% nhu cầu đi lại của người dân thành phố thì Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ được nâng cấp và trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo quy hoạch thành phố sẽ có 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt 1 ray, 6 tuyến xe buýt nhanh BRT, hệ thống xe buýt truyền thống. Cùng với đó là hệ thống taxi truyền thống, uber, grab…

Tại các đô thị phát triển, hệ thống giao thông công cộng này cần phải được quản lý ngay từ khâu quy hoạch cho đến thiết kế, thi công, khai thác, vận hành… theo phương thức liên thông, tích hợp và hệ thống. Vì thế hệ thống giao thông cộng cộng Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần được quản lý tích hợp.

“Việc tổ chức lại Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thành Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đánh dấu sự ra đời cơ quan quản lý giao thông cộng cộng tích hợp đầu tiên tại các đô thị Việt Nam và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều khởi sắc hơn nữa cho giao thông công cộng thành phố,” ông Bùi Xuân Cường cho biết thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục