Đứa con sắp ra đời của Hoàng tử Anh William và Công nương Catherine, nhân vật sẽ đứng thứ ba trong danh sách kế vị ngai vàng Vương quốc Anh, có thể sẽ vướng rắc rối pháp lý khi Khối Thịnh vượng chung đang cân nhắc việc triển khai một đạo luật cho phép nữ giới cũng được hưởng quyền thừa kế ngang với nam giới. Việc chấm dứt truyền thống chỉ cho phép hoàng nam được kế vị ngai vàng đã được đưa ra bàn thảo trong nhiều thập kỷ. Nhưng đám cưới của William và Catherine hồi tháng 4/2011 đã khiến các chính quyền thuộc Khối Thịnh vương chung phải hành động gấp để đảm bảo cho dù đứa trẻ là trai hay gái vẫn sẽ có quyền kế vị. Các thủ tướng Anh, Australia, Canada, New Zealand và 12 nước khác tôn sùng Nữ hoàng Anh Elizabeth, đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc tại hội nghị gần đây nhất của khối Thịnh vượng chung tổ chức vào tháng 10/2011. Sự thay đổi luật phải được sự đồng thuận của từng nước để đảm bảo không có chuyện mỗi nước lại có các ông hoàng khác nhau và chỉ được thông qua sau khi các chính quyền đều đã phê chuẩn. Tuy nhiên tiến trình này đã không diễn ra thuận lợi như người ta nghĩ, với trở ngại tới từ Quebec, Canada và Queensland ở Australia. Ở Quebec, vấn đề nằm ở chỗ một tòa án đã phản đối cách thức Quốc hội Canada thông qua một đạo luật đồng tình với những sự thay đổi trong hoạt động kế vị. Còn tại Queensland, chính quyền không muốn việc thay đổi luật kế vị lại lệ thuộc vào 54 quốc gia Thịnh vượng chung, gồm phần lớn là các cựu thuộc địa của Anh. Robert Hazell, giám đốc Đơn vị Hiến pháp và Đại học College London, cho AFP biết: "Đây là hoạt động khá phức tạp trong đó 16 nước phải thay đổi luật hoặc hiến pháp của họ. Điều chính quyền Anh hy vọng là các nước khác có thể sẽ thay đổi luật của họ vào cuối năm nay hoặc ít nhất là trong 12 tháng kế tiếp. Nhưng thực sự tình trạng trì hoãn đã kéo dài khá lâu rồi. Nếu cặp vợ chồng có một bé gái, sau đó lại sinh ra con trai khi luật mới chưa có hiệu lực, đứa bé trai sinh sau sẽ lại đứng ở vị trí cao hơn trong danh sách kế vị ngai vàng." Nhưng nếu sự thay đổi luật diễn ra, luật mới về hoạt động kế vị ngai vàng sẽ được đồng thuận sẽ có hiệu lực tính từ tháng 10/2011, thời điểm diễn ra hội nghị khối Thịnh vương chung kể trên. "Vì thế đây không phải là một chạy đua chống lại thời gian" - một phát ngôn viên của Bộ Văn phòng Nội các Anh nói. [Đặt cược tên và giới tính con của Hoàng tử William] Trong một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một thỏa thuận chính thức về sự thay đổi luật đã đạt được vào cùng ngày Katherine thông báo mình đã mang bầu trong ngày 13/12 năm ngoái. Luật Kế vị Ngai vàng 2013 đã được hoàng gia phê chuẩn vào ngày 25/4 năm nay, sau khi được Quốc hội Anh đồng tình. "Liên quan tới việc xác định người thừa kế ngai vàng, giới tính của một người sinh sau ngày 28/10/2011 không giúp người này hoặc con cái của người này có địa vị cao hơn bất kỳ những người nào khác" - nội dung luật viết. Luật cũng bỏ lệnh cấm vua tương lai của Anh cưới một người Thiên Chúa giáo và hạn chế số người trong danh sách kế vị cần có sự phê chuẩn của nữ hoàng/đức vua Anh trước khi kết hôn với ai đó, xuống còn sáu người đầu tiên trong danh sách. Kể từ khi ra đời, Luật Thuộc địa 1701 đã quản lý hoạt động kế vị ngai vàng ở Anh. Luật nói rằng chỉ có các hậu duệ theo đạo Tin lành của Sophia vùng Hanover - mẹ vua George I của Anh, mới có thể được lên ngôi. Bất kỳ ai theo Công giáo hoặc cưới người theo Công giáo đều bị loại khỏi danh sách kế vị. Lệnh cấm kết hôn với người theo Công giáo vẫn có hiệu lực nếu quân vương tương lai cũng là lãnh đạo Giáo hội Anh. Đứa trẻ mới ra đời sẽ đẩy em trai William là Hoàng tử Harry, 28 tuổi, một phi công lái máy bay trực thăng trong quân đội Anh, xuống hàng thứ tư trong danh sách kế vị và sẽ còn tụt sâu hơn nữa nếu Williams và vợ có thêm con. Patrick Jephson, cựu trợ lý của Công nương Diana, mẹ William, nói với AFP rằng một trong những vấn đề lớn mà gia đình Hoàng gia Anh phải đối mặt sẽ là tình trạng thừa người trong danh sách kế vị.
Linh Vũ (Vietnam+)