Cộng hòa Trung Phi bổ nhiệm chính phủ mới

Thủ tướng Cộng hòa Trung Phi bổ nhiệm chính phủ mới

Chính phủ mới của Cộng hòa Trung Phi có cả đại diện nhóm vũ trang Cơ đốc giáo và những người ủng hộ phe nổi dậy Hồi giáo Seleka
Thủ tướng Cộng hòa Trung Phi bổ nhiệm chính phủ mới ảnh 1Chính phủ Cộng hòa Trung Phi đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. (Nguồn: Getty)

Ngày 27/1, Thủ tướng Cộng hòa Trung Phi Andre Nzapayeke đã bổ nhiệm chính phủ mới, trong đó có cả đại diện nhóm vũ trang Cơ đốc giáo và những người ủng hộ phe nổi dậy Hồi giáo Seleka, trong nỗ lực đưa nước này thoát khỏi khủng hoảng chính trị.

Chính phủ mới gồm 20 bộ trưởng, trong đó có 7 phụ nữ, và nhiều người thuộc chính quyền của cựu Tổng thống Michel Djotodia.

Nhiệm vụ nặng nề mà chính phủ chuyển tiếp của ông Nzapayeke phải đối diện là chấm dứt tình trạng đổ máu, khôi phục hoạt động của quốc gia với kho bạc trống rỗng và hàng loạt công chức phải làm việc không lương trong thời gian dài, đồng thời tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 2/2015.

Thủ tướng Nzapayeke, cũng chỉ mới được bổ nhiệm ngày 25/1, công bố danh sách chính phủ mới trong bối cảnh hàng trăm người từng cầm súng cho lực lượng Hồi giáo Seleka rời khỏi thủ đô Bangui dưới sự giám sát của quân đội, sau nhiều ngày diễn ra xung đột giữa người Cơ đốc giáo chiếm đa số và người Hồi giáo chiếm thiểu số.

Bạo lực bùng phát giữa hai cộng đồng này sau khi phiến quân Seleka lật đổ chính phủ hồi tháng 3/2013 và đưa chỉ huy của họ - ông Michel Djotodia - lên làm Tổng thống lâm thời.

Ông Michel Djotodia không thể kiềm chế làn sóng tàn sát, cưỡng hiếp và cướp bóc do các tay súng lực lượng Hồi giáo Seleka cũ tiến hành, và đã phải từ chức. Mới đây, ngày 20/1, Thị trưởng Bangui, bà Catherine Samba-Panza, đã được bầu làm Tổng thống lâm thời của Cộng hòa Trung Phi, gánh vác nhiệm vụ khó khăn là khôi phục hòa bình ở đất nước đang chìm trong làn sóng bạo lực giáo phái đẫm máu này.

Cũng trong ngày 27/1, một người phát ngôn Hội Chữ thập đỏ địa phương cho biết đã tìm thấy 13 thi thể người dân trên các đường phố ở Bangui và tiến hành điều trị cho 8 người bị thương.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Navi Pillay, bạo lực đã leo thang tại những khu vực cư trú của người Hồi giáo ở Bangui trong nhiều ngày qua, bất chấp sự hiện diện của lực lượng 1.600 binh lính Pháp cùng các binh sĩ giữ gìn hoà bình của châu Phi.

Ông Pillay kêu gọi cộng đồng quốc tế cấp bách tăng cường các nỗ lực giữ gìn hoà bình dành cho Cộng hòa Trung Phi.

Quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước tình hình bạo lực tại Cộng hòa Trung Phi. Ngày 28/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến thông qua một nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt đối với những cá nhân liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị này.

Biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc sẽ nhằm vào "các cá nhân gây tổn hại tới hoà bình và ổn định, cản trở tiến trình chuyển giao chính trị ở Cộng hòa Trung Phi bằng hình thức kích động bạo lực và vi phạm nhân quyền".

Nghị quyết trên cũng uỷ nhiệm cho khoảng 500 binh lính do Liên minh châu Âu (EU) dự định gửi tới Cộng hòa Trung Phi được phép sử dụng "mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ người dân. Bên cạnh đó, nghị quyết yêu cầu Cộng hòa Trung Phi tiến hành tổng tuyển cử sớm nhất có thể và chậm nhất là tháng 2/2015.

Trước đó, ngày 27/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng tái bùng phát xung đột ở Cộng hòa Trung Phi và cho biết Washington sẽ cân nhắc tăng các biện pháp trừng phạt đối với những phần tử kích động bạo lực.

Mỹ hối thúc các nhà lãnh đạo chính trị tại Cộng hòa Trung Phi vận động những người ủng hộ dừng mọi hành vi tấn công dân thường, đồng thời kêu gọi các quốc gia láng giềng của Cộng hòa Trung Phi đảm bảo không vận chuyển vũ khí và quân nhu cho các nhóm vũ trang ở nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục