Công nghệ: Định hướng hợp tác tiềm năng cho Bộ Tứ?

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đang xây dựng các kế hoạch thúc đẩy một tương lai công nghệ mới thông qua “Mạng lưới Công nghệ Bộ Tứ” (Quad Tech Network).
Công nghệ: Định hướng hợp tác tiềm năng cho Bộ Tứ? ảnh 1

Sau khi Tổng thống Joe Biden chính thức nắm quyền tại Mỹ, Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quad) đã được tái khởi động để kết nối các thành viên bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, tăng cường sẵn sàng hơn nữa để đối mặt với những căng thẳng nghiêm trọng trên toàn cầu trong năm 2021 và sau đó.

Trên trang của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) ngày 26/2, hai tác giả John Garrick và Yan C. Bennett đã xác định những nguy cơ an ninh về công nghệ và định hướng hợp tác mới trong lĩnh vực này của Bộ Tứ. Nội dung như sau:

Bộ Tứ sẽ phải đối phó với nguy cơ các giá trị bị xói mòn bởi áp lực từ một Trung Quốc đang mạnh mẽ vươn mình với sự hỗ trợ của một nước Nga cũng đang tìm cách thay đổi trật tự thế giới.

Các tổ chức đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hiện đang trở thành những “không gian tranh chấp.”

Những đầu tư của Mỹ cho Bộ Tứ bao gồm cả các ưu tiên đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tổng thống Joe Biden đã khẳng định tầm quan trọng của khu vực này bằng cách bổ nhiệm Kurt Campbell làm Điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để xử lý quan hệ Mỹ-Trung.

Campbell tán thành một số chính sách đối với Trung Quốc do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng, song thừa nhận rằng Mỹ còn nhiều việc phải làm khi tương tác với toàn khu vực và tái tương tác với các đồng minh của mình.

Một yếu tố quan trọng khác trong chiến lược của chính quyền Biden là sử dụng nhiều hơn các tài sản quốc gia như vệ tinh để phát triển chính sách an ninh quốc gia và năng lực đối ngoại, kể cả trong không gian vũ trụ.

[Mỹ-Nhật Bản-Australia-Ấn Độ xúc tiến tổ chức hội nghị cấp cao đầu tiên]

Trung Quốc và cả Nga đều đang thách thức sự thống trị của Mỹ trong không gian vũ trụ, làm gia tăng những lo ngại về an ninh mạng và cơ sở hạ tầng ở Mỹ và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Bộ Tứ cần tham gia vào việc phát triển một chiến lược an ninh mạng với nhận thức đầy đủ về bản chất đa dạng của các mối đe dọa ngày càng phát triển và tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh cũng như khả năng phục hồi của mạng lưới các thành viên liên minh.

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đang xây dựng các kế hoạch thúc đẩy một tương lai công nghệ mới thông qua “Mạng lưới Công nghệ Bộ Tứ” (Quad Tech Network).

Sáng kiến này mở ra một hướng đi khác cho tương lai của Bộ Tứ trong việc thúc đẩy nghiên cứu và thảo luận về không gian mạng và các công nghệ quan trọng tại các trường đại học và các tổ chức tư vấn.

Những tổ chức tham gia sáng kiến này có thể kể đến như Cao đẳng An ninh Quốc gia (NSC) thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên Ấn Độ, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia về Chính sách của Nhật Bản và Trung tâm An ninh Mới của Mỹ.

Trọng tâm mà DFAT hướng đến là giải quyết các vấn đề chính liên quan đến công nghệ và không gian mạng mà khu vực đang phải đối mặt và thúc đẩy sự hợp tác chính sách giữa các thành viên.

Trọng tâm này cũng sẽ bổ sung cho chiến lược tương tác quốc tế sắp tới mà DFAT xây dựng trong lĩnh vực công nghệ mạng và các công nghệ quan trọng khác, như bảo vệ cơ sở hạ tầng và tài sản, đảm bảo các đường dây cung ứng cho phát triển công nghệ.

Cạnh tranh trong tầm nhìn về chủ quyền công nghệ và quản trị đang xói mòn bối cảnh địa chính trị. Lực lượng có quan điểm tự do hướng đến một hệ thống được phân bổ từ cấp thấp đến cao, trong đó khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng.

Trong mô hình này, các tổ chức quốc tế thúc đẩy các sân chơi bình đẳng về thương mại, thiết lập các tiêu chuẩn và điều chỉnh cạnh tranh kinh tế bình đẳng.

Trung Quốc và Nga không ủng hộ mô hình này vì cho rằng đó là điều không hợp lý và đang tìm cách định hình lại các tổ chức đa phương để phục vụ lợi ích của chính mình. Bắc Kinh và Moskva ủng hộ mô hình quy định cách tiếp cận từ trên xuống, lấy nhà nước làm trung tâm.

Trong mô hình lấy nhà nước làm trung tâm, quản trị mạng và không gian mạng toàn cầu, bao gồm cả việc quản lý các luồng thông tin, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các chiến lược thông tin của Trung Quốc và Nga đã có những ảnh hưởng nhất định trong đại dịch COVID-19.

Bắc Kinh đã tận dụng phản ứng rời rạc của phương Tây cùng sự thiếu hụt trong hợp tác và lãnh đạo giữa các nền dân chủ để tái định hướng dư luận về nguồn gốc của đại dịch.

Kế hoạch “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” được xem như nền tảng cho một kế hoạch chi tiết để Trung Quốc và các công ty công nghệ nhà nước hàng đầu thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu trong những lĩnh vực công nghệ mới nổi như 5G, Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI),...

Kế hoạch này có sự đồng điệu với nhiều chính sách công nghiệp khác của Trung Quốc, như “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về đổi mới công nghệ cao và tham gia vào việc mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Một số ý kiến cho rằng Bộ Tứ là tổ chức không hiệu quả vì lịch sử và chương trình nghị sự của bốn thành viên là quá khác biệt. Điều này chỉ đúng khi coi nhóm này như một liên minh quân sự đơn thuần.

Tuy nhiên, Bộ Tứ có thể đạt được nhiều điều hơn thế nữa. Bộ Tứ đã tham gia với Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand (Bộ Tứ Mở rộng) để thảo luận về các phản ứng tập thể trước đại dịch.

Mỹ và Australia có thể khuyến khích đưa Nhật Bản vào mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes cùng với Canada, New Zealand và Anh. Chính phủ Anh cũng đã đưa ra ý tưởng về nhóm “Dân chủ 10” (D10) với các thành viên của Bộ Tứ để xử lý các thách thức, như xây dựng các tiêu chuẩn cho hạ tầng 5G và các công nghệ mới nổi.

Chìa khóa cho tương lai của Bộ Tứ là áp dụng cách tiếp cận đa phương và linh hoạt dựa trên các liên minh chiến lược và quan hệ đối tác trên toàn cầu. Đây là một lợi thế chiến lược mà các quốc gia phi tự do chưa thể và có thể không bao giờ sánh kịp. Tất nhiên, trước sự tập hợp của các nền dân chủ, các quốc gia khác cũng sẽ có những cân nhắc riêng về liên kết, và việc đi trước một bước chắc chắn là điều sẽ không dễ dàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục