Mỹ-Nhật Bản-Australia-Ấn Độ xúc tiến tổ chức hội nghị cấp cao đầu tiên

Trong cuộc họp dự kiến này, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc hợp tác để hiện thực hóa một khu vực "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở."
Mỹ-Nhật Bản-Australia-Ấn Độ xúc tiến tổ chức hội nghị cấp cao đầu tiên ảnh 1(Nguồn: bworldonline.com)

Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đang xúc tiến tổ chức hội nghị đầu tiên giữa lãnh đạo các nước trong khuôn khổ hợp tác được gọi là nhóm Bộ Tứ (QUAD).

Hãng tin Kyodo dẫn một nguồn thạo tin cho biết Mỹ đã đề xuất tổ chức một cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ.

Trong cuộc họp dự kiến này, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc hợp tác để hiện thực hóa một khu vực "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở."

[Chuyên gia Mỹ: Chính sách châu Á của Tổng thống Biden sẽ chặt chẽ hơn]

Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn củng cố quan hệ giữa bốn nước lớn trong khu vực, mà theo cách nói của Cố vấn An ninh Mỹ Jake Sullivan là "nền tảng để Mỹ xây dựng chính sách bền vững ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ, bốn nước đã tổ chức hội nghị ngoại trưởng lần đầu tiên vào năm 2019.

Tại hội nghị ngoại trưởng lần thứ 2 diễn ra trực tiếp tại Tokyo vào tháng 10 năm ngoái, các nước đã cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác để thực hiện tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên pháp trị.

Các ngoại trưởng cũng đồng thuận về việc nhóm sẽ tổ chức họp định kỳ thường niên. Ngoài ra, các bên cũng xác nhận thúc đẩy hợp tác thực chất trong các vấn đề khác như an ninh mạng, xây dựng hạ tầng cơ sở chất lượng cao.

Được biết đến với tên gọi chính thức là Đối thoại an ninh bốn bên, nhóm QUAD, hình thành vào năm 2004, là khuôn khổ hợp tác của 4 quốc gia Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ nhằm hỗ trợ các quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương sau thảm họa sóng thần.

Tới năm 2017, hoạt động của nhóm Bộ Tứ bắt đầu vượt ra khỏi hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Gần đây nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố trọng tâm của nhóm Bộ Tứ là tập trung vào nỗ lực thúc đẩy "một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa nhập"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục