COVID-19: Cần nhân rộng thêm các khách sạn giá bình dân

COVID-19: Cần có khách sạn giá hợp lý để phục vụ người nhập cảnh

Lãnh đạo Hà Nội cho rằng việc cách ly tại các khách sạn hiện còn khó khăn cho nhiều người dân. Do đó cần xem xét rà soát thêm các khu khách sạn bình dân với giá hợp lý.
COVID-19: Cần có khách sạn giá hợp lý để phục vụ người nhập cảnh ảnh 1Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Chi phí cách ly tập trung tại khách sạn có giá khá cao, vì vậy tại cuộc họp của Ban chỉ đạo COVID-19 Hà Nội tổ chức chiều 8/10, lãnh đạo thành phố đề nghị Sở Du lịch nghiên cứu có phương án nhân rộng các cơ sở cách ly bình dân, đảm bảo phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Nhân rộng các khách sạn giá bình dân

Tại cuộc họp, bà Ngô Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở du lịch Hà Nội cho hay tính đến thời điểm này, đã có 37 khách sạn đăng ký làm nơi cách ly tập trung, trong đó có 15 khách sạn được phê duyệt, 12 khách sạn không đủ điều kiện và một số khách sạn vừa mới có đơn đăng ký.

[Hà Nội: Phê bình 6 đơn vị không cử lãnh đạo họp phòng chống COVID-19]

Với 15 khách sạn được phê duyệt thì 12 khách sạn đã đón chuyên gia nước ngoài và người nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện cách ly, với công suất sử dụng phòng của 12 khách sạn trên chiếm 58,7%, nhiều khách sạn đạt công suất trên 90%.

“Thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Y tế và địa phương để khảo sát và mở rộng một số khách sạn nhằm đáp ứng cho tình hình mới phục vụ việc cách ly,” bà Ngô Minh Hoàng nói.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, nhiều khách sạn để cách ly hiện nay có giá thấp nhất là 2,6 triệu đồng, việc này rất tốn kém khi phải cách ly trong thời gian 14 ngày, chưa kể tiền xét nghiệm.

Qua rà soát, nhiều trường hợp về Việt Nam là trẻ em, sinh viên và lao động của Việt Nam sang làm thuê nhưng do COVID-19 nên không có việc làm... đều là người có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, nếu ở khách sạn với mức giá 2,6 triệu đồng/ngày, đêm sẽ là mức cao. 

[Dịch COVID-19: Thực hiện cách ly nghiêm túc là trách nhiệm công dân]

Vì vậy, khi đưa số công dân này về khu cách ly của quân đội thì tất cả đều có đơn xin ở lại. Việc này ngoài việc phục vụ rất tốt thì chi phí cũng chỉ mất 1,6 triệu trong vòng 14 ngày.

“Nếu cách ly hết ở khu quân đội thì không đủ chỗ nhưng cách ly ở khách sạn thì lại khó khăn kinh tế cho người dân. Do đó, Sở du lịch cần xem xét rà soát thêm các khu khách sạn bình dân với giá thành hợp lý hơn để phục vụ người dân,” Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý phân tích.

- Phó Chủ tịch UBND thành phố nói về công tác phòng chống dịch bệnh:

Lưu ý dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, ông Quý yêu cầu các quận huyện tiếp tục ngăn ngừa hiệu quả các nguy cơ lây lan dịch bệnh, tiếp tục hạn chế các sự kiện tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng; triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các cơ sở y tế, quy trách nhiệm cho người đứng đầu; tăng cường kiểm tra tại trường học nhà máy xi nghiệp, chợ siêu thị, bar, karoke…

Các đơn vị phải thực hiện nghiêm quy trình về việc đón, tiếp, xét nghiệm, cách ly với người nhập cảnh; quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép...

Phí khám chữa bệnh chi trả thế nào?

Liên quan đến chi phí khám chữa bệnh, đại diện Sở Tài chính thông tin theo quy định tất cả các trường hợp cách ly nhập cảnh vào Việt Nam khi có nhu cầu cách ly tại khách sạn thì cá nhân tự chi trả.

Trường hợp thực hiện cách ly tại các cơ sở của quân đội thì phải chi trả các chi phí về tiền ăn với mức 80.000 đồng/ngày, còn các chi phí phục vụ, sinh hoạt khác là 40.000 đồng/ngày.

Cùng với đó, tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam phải chấp hành phí xét nghiệm SARS-CoV-2 và tự chi trả xét nghiệm cho cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ hiện hành..

COVID-19: Cần có khách sạn giá hợp lý để phục vụ người nhập cảnh ảnh 2Phó Giám đốc Sở y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin về tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thủ đô. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Cũng theo đại diện Sở Tài chính, chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 là một nguồn tài chính của cơ sở y tế và các cơ sở y tế có trách nhiệm sử dụng nguồn tài chính thu được theo quy định để thực hiện công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người nhập cảnh đảm bảo không trùng lập với các đối tượng ngân sách Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.

Về chi phí khám chữa bệnh COVID-19, đối với người Việt Nam tiếp tục do ngân sách Nhà nước đảm bảo theo đúng quy định tại Khoản 2, Điều 48 Luật phòng chống truyền nhiễm.

Ngoài ra, các chi phí khám, điều trị khác trong thời gian cách ly tập trung đối với người có bảo hiểm y tế thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám điều trị trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế; cá nhân tự chi trả phần chi phí, đồng chi trả của người bệnh các chi phí ngoài bảo hiểm y tế.

Đối với người không có bảo hiểm y tế, cá nhân tự chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh theo mức giá do cấp có thẩm quyền quy định của pháp luật khám chữa bệnh.

“Theo quy định các cơ sở y tế trực tiếp thực hiện sẽ thu chi phí. Các trung tâm y tế cũng có thể phối hợp với khách sạn để thu cho thuận tiện,” đại diện Sở Tài chính nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng mà chỉ ghi nhận các ca bệnh từ nước ngoài trở về. Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp dương tính cách ly ngay khi nhập cảnh. Đến nay tất cả các trường hợp F1, F2 tại Hà Nội đã hoàn thành việc cách ly y tế.

Thông báo của Bộ Giao thông vận tải cho thấy tới đây mỗi ngày có khoảng 4 chuyến bay thương mại với hơn 1.000 người nhập cảnh vào Hà Nội. Nhận định đây là nguy cơ cần chú ý không để dịch bệnh lây lan ông Hạnh nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm việc cách ly những người nhập cảnh…

“Hiện nay dễ thấy ở nơi công cộng, có không ít người dân không phải chủ quan mà hiện tại đã coi thường các biện pháp phòng dịch. Ở một số nơi việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay gần như không thực hiện. Các đơn vị cần thực hiện nghiệm khuyến cáo “5k” của Bộ Y tế cũng như xử phạt nghiêm các trường hợp không thực hiện. Các nước phát triển hiện nay cũng phải siết chặt biện pháp phòng chống dịch,” Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền bày tỏ lo lắng.

Cũng theo báo cáo của Sở y tế, tính đến trưa 8/10, 100% các bệnh viện trên địa bàn đạt mức An toàn phòng chống dịch (chiếm tỷ lệ mức điểm là 75 điểm), với mức điểm này các bệnh viện đều được Bộ đánh giá cao về công tác phòng chống dịch.

Tuy vậy Sở y tế quán triệt các bệnh viện không được chủ quan, duy trì nghiêm các biện pháp 5K, kiểm soát lây nhiễm và trang bị đủ bảo hộ cho nhân viên y tế, tổ chức xét nghiệm cho các trường hợp nghi nhiễm nhằm đảm bảo tiêu chí bệnh viên an toàn bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục