COVID-19: Một số nước có ca mắc mới và tử vong tăng cao

Hungary ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao chưa từng thấy, số ca tử vong tại Brazil tiếp tục tăng nhanh, trong khi đó một số quốc gia khác lại dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
COVID-19: Một số nước có ca mắc mới và tử vong tăng cao ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nagykata, Hungary, ngày 24/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hungary ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao chưa từng thấy, số ca tử vong tại Brazil tiếp tục tăng nhanh, trong khi đó một số quốc gia khác lại dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp phong tỏa.

Hungary ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy

Hungary ngày 11/3 đã thông báo những con số cao kỷ lục ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như ca nhập viện,  trong bối cảnh các bệnh viện nước này đang đứng trước nguy cơ quá tải bởi làn sóng thứ ba của đại dịch. 

Theo Bộ Y tế Hungary, trong 24 giờ qua nước này có thêm 8.312 ca mắc mới COVID-19 và 172 trường hợp tử vong, trong khi số lượng bệnh nhân đang phải điều trị tại bệnh viện hiện đã là 8.329 người.

Tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng tại Hungary từ nửa cuối tháng 2 vừa qua, trong bối cảnh biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Anh đã hoành hành tại nước này.

[Châu Âu cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson]

Tuần trước, Thủ tướng Viktor Orban cảnh báo rằng số người nhập viện điều trị do COVID-19 có thể lên tới 20.000 người, đồng thời ban bố một lệnh phong tỏa nghiêm ngặt áp dụng từ ngày 8/3, bao gồm việc đóng cửa các trường học và cửa hàng.

Giới chuyên gia cho rằng biến thể phát hiện tại Anh gây ra tới 80-90% số các ca mắc mới tại Hungary và số người nhập viện điều trị do COVID-19 sẽ lên tới đỉnh điểm trong tháng 4 tới.

Phóng viên TTXVN tại London dẫn tuyên bố của bà Sharon Peacock - nhà khoa học hàng đầu của Anh về nghiên cứu truy vết biến thể - cho biết biến thể B.1.1.7 của virus SARS-CoV-2 là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca mắc COVID tại Anh và nhiều nước khác trên thế giới trong những tháng gần đây.

Phát biểu tại Viện y học Hoàng gia Anh, bà Peacock - Giám đốc của COVID-19 Genomics - cho biết biến thể B.1.1.7 gây ra 98% trường hợp mắc mới COVID-19 tại Anh.

Biến thể B.1.1.7 lần đầu tiên được phát hiện tại Anh vào tháng 9/2020. Giới khoa học đánh giá biến thể này có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40%-70% so với các biến thể khác.

Bà Peacock cũng nhắc lại công bố của một tổ chức nghiên cứu Anh ngày 10/3 cho rằng biến thể này gây tỷ lệ tử vong cao hơn từ 30% cho đến 100% so với các biến thể khác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp biến thể B.1.1.7 phát hiện tại Anh và các biến thể phát hiện tại Brazil và Nam Phi là những "biến thể đáng lo ngại."

Hiện biến thể B.1.1.7 đã lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Algeria phát hiện nhiều ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Viện Pasteur của Algeria ngày 11/3 cho biết nước này đã ghi nhận 13 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Nigeria.

Các bệnh nhân là những người sống tại thủ đô Algiers và một số tỉnh khác thuộc miền Nam và miền Tây nước này.

Ngoài ra, giới chức y tế cũng ghi nhận thêm 7 trường hợp dương tính với biến thể phát hiện tại Anh, nâng tổng số người nhiễm biến thể từ Anh tại Algeria lên 15 người.

Các bệnh nhân mới là những người sống ở thủ đô Algiers và tỉnh Blida liền đó.

Số ca tử vong tại Brazil tiếp tục tăng nhanh

Trong khi đó, Bộ Y tế Brazil cho biết trong 24 giờ qua nước này có thêm 75.412 ca mắc mới, trong đó có 2.233 ca tử vong.

Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca tử vong tính theo ngày ở quốc gia Nam Mỹ này vượt 2.000 người. 

Như vậy, kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay Brazil đã ghi nhận 11.277.717 ca mắc COVID-19 (đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Ấn Độ), trong đó có 272.889 ca tử vong (đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ).

Bồ Đào Nha nới lỏng lệnh phong tỏa từ tuần tới

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa ngày 11/3 cho biết nước này sẽ mở cửa trở lại các trường mẫu giáo và tiểu học từ ngày 15/3 tới, trong khuôn khổ kế hoạch nới lỏng theo từng giai đoạn các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.

COVID-19: Một số nước có ca mắc mới và tử vong tăng cao ảnh 2Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 18/2/2021. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Bồ Đào Nha đã ban hành lệnh phong tỏa từ giữa tháng 1, thời điểm nước này chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm tồi tệ nhất thế giới.

Theo Thủ tướng Costa, tình hình dịch bệnh tại Bồ Đào Nha hiện ở dưới mức cảnh báo, nhưng việc mở cửa trở lại phải được thực hiện dần dần và thận trọng. Theo đó, kế hoạch nới lỏng sẽ được xem xét lại sau mỗi 2 tuần.

Dự kiến, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu như hiệu sách, tiệm làm tóc, thư viện cũng sẽ được mở cửa trở lại từ đầu tuần tới. Các trường trung học, các cơ sở kinh doanh ngoài trời như quán cà phê, nhà hàng, hay các địa điểm như đài tưởng niệm và bảo tàng sẽ được mở cửa trở lại 2 tuần sau đó.

Các trường đại học, nhà hát và nhà hàng trong không gian kín với quy định tối đa 4 người/bàn sẽ được phép nối lại hoạt động từ giữa tháng 4 tới. Tiếp sau đó, các sự kiện lớn sẽ được phép tổ chức từ ngày 3/5.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Thủ tướng Costa cho biết Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục kiểm soát đường biên giới trên bộ với quốc gia láng giềng Tây Ban Nha cho đến Lễ Phục sinh sắp tới.

Bồ Đào Nha cũng duy trì các biện pháp hạn chế đi lại, như yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc phải thực hiện cách ly đối với những người đến từ Anh, Brazil và Nam Phi nhằm kiềm chế sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Hiện Bồ Đào Nha ghi nhận tổng cộng hơn 811.300 ca nhiễm, trong đó 16.595 ca tử vong do COVID-19. 

New Zealand dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế ở thành phố Auckland

Tại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern ngày 12/3 cho biết tất cả các biện pháp hạn chế đang được áp dụng ở thành phố lAuckland lớn nhất nước này đã được dỡ bỏ sau 2 tuần khu vực này không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Thủ tướng Ardern đã ban hành lệnh phong tỏa 7 ngày đối với thành phố Auckland gồm 1,7 triệu dân sau khi phát hiện một ổ dịch tại đây.

Lệnh phong tỏa đã được nới lỏng vào đầu tháng này nhưng một số biện pháp hạn chế vẫn được duy trì, trong đó có quy định hạn chế tập trung đông người nơi công cộng theo mức cảnh báo cấp độ 2.

Tuy nhiên, từ nay, thành phố Auckland sẽ được áp dụng mức cảnh báo cấp độ 1 cùng với những khu vực còn lại của New Zealand, theo đó không hạn chế các sự kiện hay hoạt động tập trung đông người.

New Zealand đã ghi nhận tổng cộng hơn 2.400 ca nhiễm, trong đó 26 ca tử vong do COVID-19. Nước này đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tháng trước và dự kiến đến cuối năm nay sẽ chủng ngừa cho toàn bộ người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục