Cử tri Trung Phi bỏ phiếu trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp

Dự thảo hiến pháp mới của Cộng hòa Trung Phi bao gồm quy định kéo dài thời hạn của nhiệm kỳ tổng thống từ 5 năm lên 7 năm và bãi bỏ giới hạn về số lượng nhiệm kỳ đối với vị trí nguyên thủ quốc gia.
Cử tri Trung Phi bỏ phiếu trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp ảnh 1Một cử tri ở Cộng hòa Trung Phi thu thập các lá phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp tại một trường trung học ở Bangui vào ngày 30/7/2023. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các cử tri Cộng hòa Trung Phi ngày 30/7 đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới, cho phép Tổng thống Faustin-Archange Touadera tranh cử nhiệm kỳ thứ ba tại quốc gia châu Phi đã trải qua nhiều cuộc đảo chính.

Cuộc trưng cầu dân ý dự kiến bắt đầu diễn ra từ 6h00 theo giờ địa phương (12h00 cùng ngày theo giờ Hà Nội), nhưng các điểm bỏ phiếu đã mở cửa muộn khoảng 1 giờ.

Theo kế hoạch, các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 16h00 cùng ngày, với khoảng 1,9 triệu người đủ tiêu chuẩn tham gia bỏ phiếu. Tòa án Hiến pháp Cộng hòa Trung Phi dự kiến công bố kết quả cuối cùng trong ngày 27/8.

[Liên hợp quốc nhận định tình hình an ninh tại Cộng hòa Trung Phi]

Đáng chú ý, dự thảo hiến pháp mới của Cộng hòa Trung Phi bao gồm quy định kéo dài thời hạn của nhiệm kỳ tổng thống từ 5 năm lên 7 năm và bãi bỏ giới hạn về số lượng nhiệm kỳ đối với vị trí nguyên thủ quốc gia.

Hiện chưa có cuộc thăm dò dư luận đáng tin cậy nào có thể dự đoán kết quả trưng cầu dân ý, song nhiều chuyên gia về khu vực dự báo dự thảo hiến pháp mới nhiều khả năng sẽ được thông qua.

Các đối thủ của Tổng thống Touadera hiện chỉ trích tham vọng của ông về việc giữ chức “tổng thống trọn đời.”

Các đảng đối lập chính và các tổ chức xã hội dân sự, cũng như các nhóm nổi dậy vũ trang, đã kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý.

Ông Touadéra tuyên bố Nga và Rwanda - 2 quốc gia có tầm ảnh hưởng đáng kể trong những năm gần đây tại Cộng hòa Trung Phi - sẽ đảm bảo an ninh cho các hoạt động bỏ phiếu.

Năm 2020, ông Touadera đã giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai cho đến năm 2025, sau khi cuộc bầu cử bị gián đoạn do một số hoạt động xâm nhập của các nhóm nổi dậy có vũ trang, đồng thời, nhà lãnh đạo này cũng phải vượt qua những cáo buộc gian lận.

Cộng hòa Trung Phi - đất nước có 5,5 triệu dân - là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục