Cua Cà Mau tăng giá mạnh trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đã được kiểm soát chặt chẽ, các cửa khẩu đã hoạt động trở lại, nên nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến vùng nuôi thu mua.
Cua Cà Mau tăng giá mạnh trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát ảnh 1Cua biển. (Ảnh: Duy Ba/TTXVN)

Kể từ đầu tháng 5 năm 2020 đến nay, giá cua ở Cà Mau tiếp tục gia tăng, khiến nhiều hộ nuôi phấn khởi thu hoạch cua bán cho thương lái để tiếp tục thả nuôi vụ cua kế tiếp. 

Tùy theo chủng loại, kích cỡ cua mà thương lái ấn định giá thu mua, có loại tăng hơn 100.000 đồng/kg. Cụ thể, cua y có giá bán dao động từ 250.000-320.000 đồng/kg, cua gạch từ 350.000-550.000 đồng/kg, cua yếm vuông từ 210.000-250.000 đồng/kg.

Trong những tháng đầu năm nay, mặt hàng cua ở Cà Mau bị rớt giá do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Thậm chí có thời điểm rất ít thương lái thu mua vì không thể xuất đi tiêu thụ ở thị trường ngoài nước.

Cua rớt giá mạnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu, điều này khiến cho nhiều hộ nuôi cua trong tỉnh chọn giải pháp thả nuôi cầm chừng hoặc không vội thu hoạch để chờ cua tăng giá trở lại. 

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đã được kiểm soát chặt chẽ, các cửa khẩu đã hoạt động trở lại, nên nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến vùng nuôi thu mua cua gạch son, cua yếm vuông để xuất sang một số thị trường như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Australia...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước được kiểm soát, thị trường cũng bắt đầu mở cửa trở lại nên dự báo giá cua trong thời gian tới sẽ có khả năng tăng cao hơn và không chỉ có cua mà tôm cũng có thể tăng giá.

[Giá cua biển tại Kiên Giang giảm sâu, nông dân đứng ngồi không yên]

Do đó, cơ quan chức năng tỉnh khuyến cáo người dân tranh thủ thời cơ để thả con giống vụ kế tiếp, nhưng phải thường xuyên chủ động theo dõi sát tình hình giá cả-thị trường, diễn biến của thời tiết, môi trường để thả giống đạt hiệu quả, năng suất cao. 

Trong số hơn 300.000ha đất nuôi trồng thủy sản thì diện tích nuôi cua kết hợp với nuôi tôm, nuôi cua thâm canh và bán thâm canh chiếm đến gần 250.000ha.

Các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước... là những địa phương có diện tích nuôi và sản lượng cua lớn của tỉnh; trong đó, cua Năm Căn (Cà Mau) đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể nên địa phương tiếp tục chú trọng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, ra sức bảo vệ uy tín thương hiệu./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục