Cửa khẩu Cao Bằng: Ùn ứ hàng trăm xe chờ xuất hàng

Việc xe “nằm đường” chờ xuất hàng đang khiến các chủ hàng của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc bị tổn thất kinh tế nghiêm trọng.
Khoảng 2 tuần nay, trên các tuyến đường ra cửa khẩu Tà Lùng (Phục Hòa), Hùng Quốc (Trà Lĩnh), Sóc Giang (Hà Quảng), Pò Peo (Trùng Khánh), Lý Vạn, Thị Hoa (Hạ Lang)… của tỉnh Cao Bằng, hàng trăm xe container đỗ ngổn ngang chờ xuất hàng.

Tình trạng này đã gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, ảnh hướng đến việc đi lại của người dân, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Việc “nằm đường” chờ xuất hàng khiến cho các chủ hàng của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc bị tổn thất kinh tế nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Hoa, một chủ hàng người Hải Phòng, cho biết nếu thuận buồm xuôi gió, chi phí cho một xe container đi từ Hải Phòng lên đến các cửa khẩu tại Cao Bằng khoảng 80 triệu đồng. Nếu phải “nằm đường” trong một thời gian dài như thế này kinh phí bị đội lên khoảng 20-30% nữa khiến nhiều chủ hàng bị thua lỗ.

Do hàng hóa lên các cửa khẩu ở Cao Bằng chủ yếu là hàng đông lạnh nên muốn để lâu ngày trong xe, phải cắm điện để bảo quản lạnh. Do vậy, nhiều xe không tìm được chỗ nạp điện nên phải chạy lòng vòng để tìm nguồn điện gây phát sinh xăng dầu vận tải, thậm trí có những xe phải hủy toàn bộ hàng do bị hư hỏng và phải bồi thường cho chủ hàng Trung Quốc.

Trong khi các chủ hàng “méo mặt” vì không xuất được hàng thì nhiều người dân lại hái ra tiền nhờ các dịch vụ ăn theo. Nắm bắt được tình trạng phải nạp điện của các xe container, nhiều người dân trên các tuyến đường ra cửa khẩu đã đầu tư riêng một đường điện ba pha để làm dịch vụ. Bình quân mỗi xe muốn đủ lạnh, phải nạp điện từ 8 đến 16 giờ, giá cho mỗi giờ là 70.000-80.000 đồng. Như vậy trừ đi số tiền phải trả cho điện lực mỗi giờ họ cũng kiếm được 50.000 đồng/xe.

Anh Nông Văn Bộ là một người bán giải khát trên tuyến đường từ thị xã Cao Bằng đi cửa khẩu Tà Lùng nói: “Do có mặt bằng rộng nên hơn chục ngày nay, nhà em lúc nào cũng có gần chục xe vào nạp điện, mỗi ngày trừ chi phí đi em bỏ túi 3-5 triệu đồng tiền. Đó là chưa kể đến tiền thu được của các lái xe từ việc ăn uống và thuê phòng trọ.”

Hiện nay, do không chịu được cước phí phụ trội và để bảo quản hàng hóa nhiều chủ hàng đã phải cho xe quay trở về Hải Phòng để bảo quản trong các kho lạnh.

Theo ông Hà Ngọc Chiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng, nguyên nhân của tình trạng xe nằm chờ xuất hàng là do yêu cầu  của tỉnh về việc quản lý chặt việc vận chuyển hàng hóa qua các tuyến đường không đảm bảo chất lượng. Tập trung hàng hóa xuất nhập khẩu qua 2 cửa khẩu chính là Tà Lùng và Hùng Quốc vì các tuyến đường này tương đối đảm bảo về trọng tải. Đối với các cửa khẩu khác muốn xuất hàng, phải sang tải cho phù hợp với trọng tải quy định.

Thông tin từ Cục Hải quan Cao Bằng cho biết thêm trong khi tỉnh Cao Bằng chỉ cho  phép xuất khẩu hàng hóa qua 2 cửa khẩu chính là Tà Lùng và Hùng Quốc thì phía Trung Quốc lại hạn chế hàng hóa đi qua hai cửa khẩu này nên các chủ hàng phải chờ đợi cơ hội xuất hàng.

Thời gian qua, các xe vận tải hàng hóa trọng tải nặng đi qua địa bàn Cao Bằng với lưu lượng lớn, trong khi đó, các tuyến đường không đảm bảo trọng tải nên xuống cấp nhanh chóng.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng như các bến bãi, kho chứa hàng tại các cửa khẩu của tỉnh chưa có nên nảy sinh tình trạng đỗ xe bừa bãi gây ách tắc giao thông liên tục, ảnh hưởng xấu đến các phương tiện tham gia giao thông./.

Mạnh Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục