Cửa tiếp cận ngân hàng cho DN vừa và nhỏ vẫn hẹp

Năm 2011 là một năm kinh tế khó khăn đối với hệ thống doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là tình trạng “đói vốn” đã diễn ra khá phổ biến đối nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Tình hình này dự báo chưa thể được cải thiện trong năm 2012, khi mà đa phần các chuyên gia kinh tế vẫn tiếp tục quan ngại về sự căng thẳng của thị trường tiền tệ.
Năm 2011 là một năm khó khăn đối với hệ thống doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là tình trạng “đói vốn” đã diễn ra khá phổ biến đối nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Sang đến năm 2012, vấn đề này dự báo vẫn chưa thể cải thiện khi mà đa phần các chuyên gia kinh tế vẫn tiếp tục quan ngại khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp SME còn là vấn đề nan giải.

Ngân hàng, cánh cửa hẹp


Theo Bà Dương Thu Hương, chuyên gia tài chính - ngân hàng, giải quyết vốn cho doanh nghiệp lúc này là bài toán vô cùng khó khi mà các chính sách điều hành vừa phải thực thi một lúc hai nhiệm vụ, cứu vốn cho doanh nghiệp đồng thời kiểm soát lạm phát ổn định.

Khẳng định sẽ còn nhiều vướng mắc trong khâu cấp tín dụng cho khối doanh nghiệp SME, ông Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank (VCB) nhấn mạnh, làm thế nào để doanh nghiệp SME tiếp cận vốn vay ngân hàng là câu hỏi khó không chỉ cho VCB mà cả ngành ngân hàng nói chung, bởi tình hình chung của thị trường tiền tệ trong hiện tại là rất căng thẳng, dự báo năm tới khả năng cạnh tranh vốn của các ngân hàng còn gay go hơn và khiến đầu ra sẽ trở nên rất hạn chế.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 của ngành ngân hàng gần đây, đại diện một số ngân hàng lớn đã thẳng thắn chỉ ra, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp mạnh tay và ổn định được thị trường tiền tệ, tuy nhiên từ đầu tháng 12, hiện tượng lách trần lãi suất lại nở rộ, điều này cho thấy tình trạng mất thanh khoản tại các ngân hàng đang quay trở lại.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, chỉ trong ba ngày BIDV đã bị rút một khoản 600 tỷ đồng, do ngân hàng từ chối lãi suất “mặc cả”  từ phía khách hàng.

Nền tảng thực tế của lãi cấp tín dụng cho nền kinh tế hiện có 3 loại 17-19%, 19-21% và trên 22%, song lãi vay liên ngân hàng lại quá cao, nếu ngân hàng nào nợ quá hạn không trả sẽ bị phạt lên tới 48%. Ông Hà nhấn mạnh, đây là mức lãi suất ngất ngưởng, không thể chấp nhận.

Chính vì vậy mà việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, càng khó khăn hơn. Đó là ở những ngân hàng "khủng", còn đối với những ngân hàng top dưới, "cánh cửa" cho nhiều doanh nghiệp cũng đã bị thu hẹp đáng kể do nhiều lý do (nguồn vốn eo hẹp, nợ xấu tăng...).

Thêm vào đó ông Dũng nhận định, sau những diễn biến kinh tế không thuận lợi của năm 2011, tốc độ GDP vẫn để mục tiêu khoảng 6% - 7% ở năm sau thì chắc chắn chính sách tiền tệ vẫn thắt chặt và chúng tôi tin khả năng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại sang năm 2012 là rất khó khăn. 

“Quả thực SME là khu vực mới nổi, nhưng thú thực VCB không phải là tổ chức tín dụng cho SME vay nhiều, dư nợ tín dụng tín dụng SME tại ngân hàng ngoại thương chỉ khoảng 8-10% tổng dư nợ tín dụng. Chúng tôi nhìn ra các đối thủ cạnh tranh, thì khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp SME trong năm tới tại các ngân hàng là rất nhỏ.

Lý do, cam kết tín dụng của các thể chế tài chính với các tập đoàn lớn trước đó khá nhiều, sang năm tới có trì hoãn cũng không thể được. Việc các ngân hàng tập trung vốn giải ngân cho doanh nghiệp lớn, khách hàng truyền thống đã là thách thức, thì đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải là doanh nghiệp truyền thống, khi tiếp cận với ngân hàng sẽ lại càng khó hơn,” ông Dũng đưa ra phân tích.

Phải khác biệt

Tìm kiếm giải pháp cho sự tồn tại của nhóm doanh nghiệp SME trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các công ty đang đối diện với môi trường kinh tế vĩ mô và vi mô đều khó khăn, việc huy động vốn quá nan giải và khi chúng ta bắt đầu coi nó đã đến sự nguy hiểm, đủ nghiêm trọng tới mức chúng ta không thể nhìn vấn đề cũ đúng như trước được nữa.

Theo ông Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa, trong khi các doanh nghiệp nói rằng khó tìm vốn, thì trên thị tài chính toàn cầu có khoảng từ 400 nghìn đến 500 nghìn tỷ USD chạy quanh mỗi ngày 24 tiếng và nó vẫn phải “vần vũ” tìm kiếm các cơ hội đầu tư sinh lời.

Do đó, không có lý do gì một người hay một tổ chức, doanh nghiệp có những sản phẩm đặc thù, những công nghệ đặc thù, lối tiếp thị đặc thù và một nền quản trị bài bản, bền vững lại không thu hút được một vài chục triệu USD trong đó.

Đưa ra một hướng đi mới về cách tiếp cận nguồn vốn, ông Alan Phan chỉ ra, nguồn vốn doanh nghiệp trong nước tiếp cận theo cách truyền thống, từ các cổ đông, bạn bè, gia đình, ngân hàng. Tuy nhiên, “Tôi đề cập đến các nguồn huy động khác từ các nhà đầu tư là các quỹ tài chính, các đối tác chiến lược, những khách hàng, những nhà cung cấp hay kể cả các công ty bảo hiểm…”

Ông Alan Phan Đưa cũng ra dẫn chứng, “tôi có một người bạn, đại diện một quỹ tại Mỹ về tìm kiếm đầu tư tại thị trường Việt Nam với cam kết 100 triệu USD, nhưng sau 9 tháng vẫn không tìm được công ty nào để đầu tư và tài trợ. Thời gian qua người bạn của tôi cùng với 8 nhân viên tiêu biết bao nhiêu tiền mà chưa thể giải ngân được vốn, trong 3 tháng nữa nếu số tiền trên vẫn nằm nguyên đó chắc chắn phía Mỹ sẽ yêu cầu chấm dứt hợp đồng với bạn tôi.

Tôi khẳng định, thế giới không thiếu vốn, Việt Nam không thiếu vốn mà chỉ thiếu những dự án độc đáo, có tính thuyết phục về khả năng tăng trưởng cũng như quy mô đủ tầm để đầu tư.”

Đồng tình với quan điểm trên, Phạm Quang Dũng cho rằng, dù có khó khăn đến mấy nhưng không có nghĩa các doanh nghiệp SME hoàn toàn bị đóng cửa tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Bởi vì vẫn có nhiều doanh nghiệp SME có ý tưởng mới, định hướng kinh doanh tốt, có khả năng cho thấy được dòng tiền của doanh nghiệp trong tương lai và chứng minh được khả năng trả nợ.

Thêm vào đó thuận lợi khác là hoạt động tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng trong năm 2012 cũng chính là cơ sở để cả ngành tái cơ cấu lại danh mục cho vay. Qua đó, các ngân hàng sẽ  xem xét có thể mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp SME, do một số ngân hàng đã đầu tư quá nhiều vào lĩnh vực bất động sản, thì đây là cơ hội tái cơ cấu trong lĩnh vực đầu tư, nhằm giảm thiểu rủi ro trong ngân hàng.

Về chính sách, bà Dương Thu Hương dự báo, kỳ vọng lạm phát 2012 sẽ ổn định theo đó khả năng lãi suất cũng giảm xuống và doanh nghiệp SME có thể tiếp cận được vốn. Ngoài ra,  mặc dù tăng trưởng tín dụng 2012 còn thấp hơn với 2011, song chỉ tiêu không phải chia đều cho tất cả ngân hàng. Ngân hàng mạnh sẽ được phân bổ nhiều hơn, do đó cơ cấu tín dụng cũng có thể năng động hơn và là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả tiếp nhận vốn.

“Các quy định về phi sản xuất đã được nới ra, ngân hàng thương mại và nhà nước sẽ hướng mạnh về khu vực sản xuất, tôi nghĩ rằng đó là tín hiệu mừng cho thị trường tín dụng 2012,” bà Hương nói./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục