Cùng làn điệu Xoan cổ tìm về văn hóa Hùng Vương

Về dự Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2013, du khách lại được thưởng thức các làn điệu Xoan cổ,  mượt mà, đằm thắm, tình người đất Tổ.
Về dự Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2013, du khách lại thêm một lần được thưởng thức các làn điệu hát Xoan cổ, Xoan ghẹo mượt mà, đằm thắm, rạo rực tình đất, tình người đất Tổ.

Đây là một loại hình nghệ thuật đặc sắc được phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước, chỉ có ở vùng đất Tổ-Phú Thọ và đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Trường tồn cùng thời gian

Trong kho tàng dân ca và diễn xướng dân gian truyền thống của dân tộc, hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá chỉ có ở quê hương đất Tổ Hùng Vương. Tên gọi và nguồn gốc hát Xoan đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước.

Theo sử sách ghi lại, hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, từ thời các vua Hùng dựng nước, hát Xoan được tổ chức vào mùa Xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát mà còn là để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và chúc tụng Vua Hùng. Từ lâu, hát Xoan đã gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh của đời sống người dân.

Truyền thuyết xưa kể lại: "Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sanh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Có một người hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay, nên đón nàng về múa hát để làm vơi nỗi đau khi trở dạ. Giọng hát của nàng Quế Hoa trong vắt, khi cao, khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún làm mê đắm lòng người. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa quên đi đau đớn và hạ sanh được ba người con trai khôi ngô tuấn tú. Vua Hùng vui mừng khôn xiết, hết lời khen ngợi Quế Hoa, mời nàng dạy múa hát cho các mỵ nương. Quế Hoa thường hát chầu cho vợ vua Hùng vào đầu mùa Xuân nên các mỵ nương gọi lối hát ấy là Hát Xoan." Những điệu Xoan mê đắm từ đó cứ thế được truyền khẩu qua các đời.

Hàng năm cứ vào ngày mồng Một tháng Một, các phường Xoan ở Phú Thọ lại tiến hành làm lễ ở trước Miếu Lãi Lèn và tại đình làng mình rồi cùng nhau lên hát ở Đền Hùng. Cuộc lưu diễn của các phường Xoan thường diễn ra trong gần ba tháng. Trải qua năm tháng, khúc hát ấy vẫn mãi mãi trường tồn và khẳng định sức sống lâu bền.

Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tìm được 31 cửa đình thuộc 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ (9 huyện) và 18 xã có hát Xoan (trong đó Phú Thọ 15 xã, Vĩnh Phúc 3 xã) có nguồn gốc về hát Xoan. Hiện nay đã có 11/30 đình làng - không gian diễn xướng hát Xoan cổ được công nhận là Di tích Văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Độc đáo hát Xoan

Hát Xoan - còn có tên gọi khác là hát Lãi Lèn, hát Đúm, hát Thờ, hát Cửa đình. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó có 4 phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ) hiện vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn giá trị của hát Xoan.

Nghệ thuật hát Xoan được thể hiện với đầy đủ các dạng thức nhạc như hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Đặc biệt, trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca.

Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là bốn tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng, xen mô tả sản xuất. Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi; theo thứ tự: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách). Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau.

Mười bốn quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau như mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể các tích chuyện xưa. Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như: hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá... Sức sống của hát Xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ yêu thích.

Hát Xoan có tổ chức hết sức chặt chẽ. Những người đi hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Đây là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng. Người đứng đầu một phường x oan gọi là ông t rùm (hay gọi là họ Xoan).

Ông Trùm là một người có kinh nghiệm về nghề nghiệp xã giao và viết chữ để hát dẫn một số bài dài được chép bằng văn tự. Các thành viên thì gọi trai là kép, gái là đào. Mỗi phường Xoan có khoảng 15 đến 18 người. Nam mặc áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích. Những làng có người đi hát Xoan này nước nghĩa với phường Xoan và các phường Xoan cũng nước nghĩa với nhau. Họ coi nhau thân thiết như anh em, nhưng tuyệt đối đào kép Xoan không được lấy nam nữ thanh niên của làng nước nghĩa.

Gìn giữ cho muôn đời

Hát Xoan là Di sản văn hóa vô giá không chỉ của người dân vùng đất Tổ mà còn của cả nhân loại, tuy nhiên hiện nay việc nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn và phổ biến dân ca Xoan đang gặp nhiều khó khăn. Các nghệ nhân hát Xoan - lớp báu vật, nhân văn sống đã ở tuổi cao, già yếu nên sức khỏe, trí nhớ không còn minh mẫn, không thể đi biểu diễn trên sân khấu được. Lớp trẻ lại chưa có sự hiểu biết nên chưa yêu thích và đặc biệt hạn chế về ý thức bảo vệ giá trị di sản văn hóa hát Xoan, ảnh hưởng lớn tới việc trao truyền giữa các nghệ nhân với đương đại. Việc tuyên truyền quảng bá về di sản, khôi phục bảo tồn, tôn tạo các thiết chế làm cơ sở vật chất duy trì hát Xoan như: Đình, đền, miếu cũng còn nhiều bất cập.

Theo các nhà nghiên cứu nhìn nhận, từ 1945-1975 hát Xoan gần như không được thực hành và dần mai một do chiến tranh kéo dài, phần khác do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của hát Xoan trong đời sống cộng đồng.

Theo thống kê, Phú Thọ còn có hơn 100 nghệ nhân hát Xoan, nhưng hiện nay chỉ còn 37 nghệ nhân có thể nhớ, truyền dạy và am hiểu về hát Xoan. Đa số các cụ đều cao tuổi, trí nhớ, sức khỏe ngày càng suy giảm, giọng hát, nhịp phách không còn linh hoạt, chuẩn xác. Các cụ nghệ nhân tay nghề cao cũng chỉ có thể nhớ và truyền dạy được 23/31 bài bản Xoan cổ.

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết để bảo tồn làn điệu dân ca này, trước mắt tỉnh Phú Thọ sẽ duy trì thường xuyên tổ chức hoạt động của 4 phường Xoan gốc: Kim Đới, Thét, Phù Đức và An Thái thuộc xã Kim Đức và xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Tiếp đó sẽ mở chuyên mục dạy hát dân ca Xoan trên sóng phát thanh truyền hình Tỉnh; tổ chức các lớp truyền dạy hát Xoan, đưa hát Xoan vào trường học; phục hồi các di tích lịch sử văn hóa tại các địa phương có hát Xoan truyền thống để duy trì thói quen hát Xoan nơi sân đình của người dân.

Tỉnh cũng dự định tổ chức các cuộc liên hoan, giao lưu, hội thi, hội diễn để giới thiệu hát Xoan tới đông đảo quần chúng nhân dân; lập các dự án phát triển du lịch, gắn hát Xoan với các tour, tuyến du lịch về miền đất Tổ Hùng Vương. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã lên nhiều kế hoạch hành động cụ thể như xây dựng quy chế phong tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ; nghiên cứu, kiểm kê, truyền dạy hát Xoan cho nhân dân, đưa hát Xoan vào trong trường học; có kế hoạch đầu tư quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo các di tích liên quan đến di sản văn hoá phi vật thể hát Xoan.

Sau gần 2 năm được vinh danh, hát Xoan Phú Thọ đã có những bước “trở mình” tích cực. Nhiều đình làng - không gian diễn xướng hát Xoan cổ được công nhận là Di tích Văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia. Miếu Lãi Lèn, di tích vật thể gắn với sự tích ra đời của hát Xoan bị hoang phế từ lâu đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đầu tư khôi phục với tổng kinh phí lên đến 36 tỷ đồng, hiện nay hạng mục chính công trình đã hoàn thành.

Bên cạnh đó, đã có 13 Câu lạc bộ hát Xoan được thành lập ở Phú Thọ. Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã có kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.”./.

Lâm Đào An (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục