Cuộc chiến chống khủng bố trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung

Những thay đổi mang tính cấu trúc trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là từ quan điểm của Mỹ, đang dần hình thành lần đầu tiên kể từ kỷ nguyên “Cuộc chiến chống khủng bố” sau sự kiện 11/9/2001.
Cuộc chiến chống khủng bố trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung ảnh 1Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đã bị tiêu diệt tại nhà riêng ở thủ đô Kabul của Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng orfonline.org, sau gần 1 năm kể từ ngày Taliban giành chính quyền ở Kabul, những thay đổi mang tính cấu trúc trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là từ quan điểm của Mỹ, đang dần hình thành lần đầu tiên kể từ kỷ nguyên “Cuộc chiến chống khủng bố” sau sự kiện 11/9/2001.

Việc thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri bị tiêu diệt ở Kabul sau cuộc không kích của máy bay không người lái Mỹ dường như đánh dấu sự kết thúc nỗ lực kéo dài 20 năm của Washington. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về kiến trúc an ninh toàn cầu trong tương lai.

Trong một tuyên bố mới đây, Richard Moore, Cục trưởng Cục Tình báo mật (MI6) của Vương quốc Anh, nói rằng mối đe dọa từ Trung Quốc hiện đứng đầu danh sách ưu tiên của cơ quan này, xếp trên cả cuộc chiến chống khủng bố.

Bình luận của Moore không hề lạc lõng, bởi quan điểm này cũng được nhiều chính phủ phương Tây nhắc lại khi đề cập đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, cũng như khả năng Moskva trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.

Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William J. Burns cũng nhấn mạnh Trung Quốc là một điểm nút mới của an ninh toàn cầu trong những năm tiếp theo. Trong khi “Khái niệm Chiến lược” năm 2022 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố là “mối đe dọa bất ổn trực tiếp nhất” đối với an ninh toàn cầu; Afghanistan chỉ được nhắc đến 1 lần, bất chấp những báo cáo gần đây của Liên hợp quốc chỉ ra khả năng al-Qaeda một lần nữa được Taliban bảo trợ.

Những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã vượt mức một cuộc khẩu chiến, khi các cuộc tập trận và điều động quân sự ở trong và xung quanh vùng biển của Đài Loan trở nên quyết liệt hơn.

Hậu quả chính trị là việc Bắc Kinh tuyên bố dừng đối thoại với Washington về các vấn đề liên quan đến ngoại giao quốc tế, quân sự, biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác.

[Cảnh báo nguy cơ khủng bố gia tăng sau cái chết của thủ lĩnh al-Qaeda] 

Theo các báo cáo, thậm chí Quốc hội Mỹ đã đồng loạt thúc đẩy việc coi Trung Quốc là mối quan tâm chính đối với các năng lực an ninh của Mỹ. Những lời kêu gọi này đã được thể hiện qua việc Mỹ điều động quân sự sau chuyến thăm của Pelosi nhằm chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc.

Khoảng trống trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu

Việc phương Tây chưa thực sự ưu tiên chính sách chống khủng bố đang đặt ra những câu hỏi hóc búa cho một quốc gia như Ấn Độ. Trong khi việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan bị cản trở - từ thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban ở Doha cho tới lối thoát thực sự, nhiều nước, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, đã sử dụng “chiếc ô an ninh” của Mỹ để xây dựng năng lực, các mối quan hệ và thể chế nhằm duy trì các chương trình nghị sự chiến lược của họ.

Tuy nhiên, việc chuyển sự chú ý sang Trung Quốc chắc chắn có liên quan đến những thực tiễn địa chính trị ngày nay, đòi hỏi việc tái định hướng năng lực cơ bản sang châu Á. Điều này dẫn đến một khoảng trống đáng kể đối với các năng lực chống khủng bố toàn cầu - cả về chiến lược lẫn động lực, một thực tế rất rõ ràng khi mối đe dọa từ khủng bố và tư tưởng cực đoan ngày càng lớn và không bị ngăn chặn.

Ví dụ, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) mới đây đã đưa ra những lời kêu gọi qua kênh truyền thông chính của nhóm này là al-Naba cho các phần tử Jihad trên khắp thế giới về việc di cư đến châu Phi, từ Mozambique ở miền Đông châu lục này sang vùng Maghreb, Mali, Burkina Faso và nhiều khu vực khác.

Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở châu Phi đã trở thành một làn sóng kết hợp giữa các băng nhóm Jihad ở địa phương - vốn cạnh tranh với các băng nhóm xuyên quốc gia như IS và al-Qaeda - cùng các liên minh do thám địa phương, được tài trợ từ các mạng lưới gây quỹ mở rộng.

Trong 9 năm qua, Pháp đã can dự ở khu vực Sahel, đặc biệt là Mali, bằng các chiến dịch chống khủng bố. Pháp đã quyết định rút lui hồi đầu năm nay khi các nỗ lực quân sự không thể khống chế các phần tử cực đoan. Paris lo ngại chiến dịch của họ ở châu Phi sẽ trở thành một “vũng lầy” chính trị, giống như những gì Mỹ trải qua ở Afghanistan.

Mối đe dọa từ các lực lượng dân quân Hồi giáo

Mặc dù các xu hướng khác như khủng bố cực hữu và chủ nghĩa cực đoan đã nổi lên trong vài năm gần đây, song các lực lượng dân quân Hồi giáo vẫn là mối đe dọa lớn và bao trùm nhất. Trong khi đó, các chính sách và sáng kiến mới hơn, chẳng hạn như thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban được ký tại Qatar hồi tháng 2/2020, đã gây tranh cãi về tương lai của cuộc chiến chống khủng bố.

Cuộc chiến chống khủng bố trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung ảnh 2Trong ảnh: Abdul Wali (giữa), chỉ huy cấp cao của lực lượng Taliban ở Pakistan, trong một buổi phỏng vấn ở vùng bộ lạc Mohmand. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Ngày nay, ngay cả Pakistan, vốn ủng hộ Taliban trong nhiều năm, cũng đang phải đàm phán với lực lượng Tehreek-e Taliban Pakistan (TTP) nhằm chấm dứt chiến dịch chống nhà nước Pakistan. Nghịch lý là lực lượng Taliban ở Afghanistan, vốn được Pakistan bảo trợ trong nhiều năm, lại đang làm trung gian cho các cuộc đàm phán này, với kinh nghiệm có được từ các cuộc đàm phán trước đây. Lực lượng này đã từ chối tiếp nhận TTP theo yêu cầu của Pakistan, bất chấp quá khứ giữa hai bên.

Ngoài ra, ngay cả các khu vực ở xa như Syria, các nhóm như Hay’at Tahrir al-Sham (HTS) và thủ lĩnh Abu Mohammed al-Jolani, cũng đã cố lôi kéo Mỹ vào một thỏa thuận, đồng thời yêu cầu Washington gạch HTS khỏi danh sách Các tổ chức khủng bố ở nước ngoài (FTO).

Trong thời kỳ hậu Baghdadi, thủ lĩnh trước thời al-Jolani bị tiêu diệt ở miền Tây Bắc Syria, ít nhất một số phần tử trong đó đang thuộc quyền kiểm soát của HTS. Đã có những nghi vấn về khả năng HTS cung cấp thông tin tình báo thực địa cho liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, từ đó nhằm vào các căn cứ của tổ chức này.

Giới phân tích đã có những đánh giá tương tự về vụ tiêu diệt Zawahiri, cũng như liệu thủ lĩnh al-Qaeda có bị Taliban hay quân đội Pakistan phản bội nhằm có được sự nhượng bộ từ Mỹ hay không. Nếu không phải Washington, Bắc Kinh cũng có thể sử dụng quyền lực của mình để tác động đến cả hai phía, nhằm phục vụ lợi ích của nước này và đóng vai trò vật cản tại một số khu vực nhất định. Một kết quả như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến các biện pháp chống khủng bố song phương và đa phương trên toàn cầu, vốn đã gặt hái được nhiều kết quả bất chấp một số thiệt hại lớn.

Kết luận

Việc dự báo về một cuộc cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, giờ đây thêm phức tạp do cuộc xung đột Ukraine và căng thẳng về vấn đề Đài Loan, sẽ là phép thử đối với năng lực chống khủng bố cũng như quyết định chính trị. Trong đó, Bắc Kinh đã coi chống khủng bố là một công cụ địa chính trị.

Mặc dù Trung Quốc chỉ trích Mỹ vì đã gạch tên Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) khỏi danh sách khủng bố năm 2020 và có lẽ đúng như vậy, thì năm nay, Bắc Kinh cũng đã phủ quyết động thái hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ ở Liên hợp quốc nhằm chống lại Abdul Rehman Makki, người thân của Hafiz Saeed, thủ lĩnh nhóm Lashkar-e-Tayyeba và là chủ mưu vụ khủng bố ngày 26/11/2008. Các cuộc đụng độ tranh giành lợi ích chiến lược của Bắc Kinh và Washington sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các yếu tố địa chính trị trong cuộc chiến chống khủng bố.

Bất chấp những bước lùi lớn ở Afghanistan, các nỗ lực chống khủng bố, chẳng hạn như chiến dịch chống IS, đã thu về những kết quả tích cực thông qua sự kết hợp giữa các chiến dịch quân sự truyền thống và cuộc chiến trên mặt trận công nghệ.

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, các nước cần tăng cường hợp tác chống khủng bố và đẩy lùi bạo lực cực đoan, đồng thời tránh đánh giá thấp những thành quả ngắn hạn và sử dụng chúng làm công cụ chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục