Cuộc chiến của Mỹ với Iran sẽ rất khác cuộc chiến với Iraq

Theo trang mạng Slate.com, có ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng đang nhen nhóm với Iran có thể được giải quyết một cách tương đối dễ dàng.
Cuộc chiến của Mỹ với Iran sẽ rất khác cuộc chiến với Iraq ảnh 1Kỹ thuật viên Iran làm việc tại nhà máy làm giàu urani ở Isfahan năm 2004. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng Slate.com, có ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng đang nhen nhóm với Iran có thể được giải quyết một cách tương đối dễ dàng. Tất cả những gì mà Tổng thống Iran Hassan Rouhani phải làm là gửi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump một “bức thư đẹp,” theo cách mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và “ông già lẩm cẩm” ở Nhà Trắng (cách ông Kim gọi ông Trump thời kỳ căng thẳng) thể hiện sự thân thiện, thậm chí “tình yêu.”

Hoặc nếu ai đó “nói quá” lên rằng nếu tình hình leo thang và chiến tranh nổ ra thì Mỹ sẽ chiến thắng nhanh chóng: chỉ trong “hai cuộc tấn công - cuộc đầu tiên và cuộc cuối cùng,” như Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Tom Cotton miêu tả.

Cả hai quan điểm trên đều cho thấy sự ngây thơ trước hết là về tình hình chính trị Iran rồi tiếp đến là về tính chất địa lý, lịch sử và bản chất của cuộc chiến.

Trước hết, hãy đánh giá về cách mà Kim Jong-un “chơi cờ.” Kim Jong-un sẵn sàng gửi thư và Donald Trump tiếp nhận một bức thư như vậy.

Ông Trump dường như hào hứng cho một thỏa thuận, nói rằng ông muốn giới lãnh đạo Iran gọi điện cho mình, kể cả việc cung cấp cho các nhân vật trung gian Thụy Sĩ một số nào đó mà có thể liên lạc được với ông Trump.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lời đe dọa sẽ hủy diệt Iran]

Tuy nhiên, cả Tổng thống Iran và Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Khamenei đều không “chơi cờ” kiểu này, tức họ không gửi, không viết cũng như không gọi điện cho Donald Trump.

Khamenei - người chưa từng liên lạc bằng bất kỳ cách nào với bất kỳ tổng thống Mỹ nào - phải tiếp tục “tô vẽ” Mỹ luôn lạm dụng, gây áp lực với Iran để duy trì quyền lực của mình trong phe giáo sỹ theo quan điểm cứng rắn ở hội đồng cầm quyền của Iran.

Ngoài ra, Iran là nước có trình độ dân trí cao, hầu như tất cả mọi người đều có trình độ giáo dục cơ bản và nhiều người, nhất là ở thành phố, thường hòa trong nhịp đập của thế giới thông qua mạng Internet và truyền hình vệ tinh. Nếu nhà lãnh đạo của họ viết một bức thư kiểu làm “mủi lòng” Trump thì họ sẽ biết rõ về điều này.

Phần lớn tính hợp pháp của chế độ Iran hoặc cơ sở biện minh cho các chính sách trấn áp phụ thuộc vào việc hướng tâm trí mọi người vào hình ảnh các mối đe dọa - một hình ảnh mà bản thân Trump cật lực để khẳng định. Nếu bỗng nhiên Rouhani hoặc Khamenei bị coi là “tung hô” Trump thì họ sẽ có nguy cơ mất quyền lực và lý lẽ hùng hồn biện minh cho sự tồn tại của chế độ.

Nếu Donald Trump muốn đàm phán nghiêm túc với Tổng thống Rouhani hoặc với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, thì có các cách khác nhau, qua đường vòng, để có thể đạt được điều này.

Nếu ông Trump muốn tìm kiếm một người bạn tốt nhất mới hoặc ai đó sẽ ít nhất vờ là như vậy thì hãy quên đi điều đó. Trong trường hợp tiến hành chiến tranh với Iran thì Thượng nghị sỹ Cotton và những người khác như ông dường như đã bỏ qua những bài học nhất định về cuộc chiến ở Iraq.

Trở lại năm 2002-2003, khi Tổng thống Mỹ thời đó là George W. Bush chuẩn bị cuộc xâm chiếm, nhiều người có vẻ thông minh dự đoán cuộc chiến này sẽ “dễ như trở bàn tay.”

Tư lệnh Mỹ, Tướng Tommy Franks, đã kêu gọi Bush đẩy mạnh cuộc xâm lược vào tháng 3, thậm chí trước khi cả Đơn vị Bộ binh thứ 4 được triển khai, để binh sỹ của ông có thể trở về nhà trước khi mùa Hè nắng nóng ở Iraq lên đỉnh điểm.

Cuộc chiến ở Iran sẽ thậm chí khó khăn hơn so với ở Iraq: Diện tích địa lý của Iran lớn gấp 3,5 lần và dân số đông hơn gấp 3 lần so với Iraq. Địa hình Iran thì ghồ ghề hơn và nhiều núi non hơn trong khi địa hình của Iraq bằng phẳng và phần lớn là sa mạc không có vật cản.

Nỗi sợ lớn nhất dẫn đến cuộc xâm chiếm Iraq là Trận chiến Baghdad ở giai đoạn cuối cùng- một cuộc chiến ở vùng đô thị với các tay súng bắn tỉa từ mái nhà và ngõ hẻm.

Cuộc chiến này đã không xảy ra vì Saddam Hussein đã thua trận, cảnh sát và quân đội bị tan rã, toàn bộ giới tinh hoa cầm quyền bị phân tán trước khi xe tăng Mỹ đổ vào Baghdad.

Mặt khác người dân Iran cũng căm thù kẻ xâm lược. Ký ức của họ về sự việc năm 1953 vẫn còn nguyên vẹn. Đó là năm mà Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và quân Anh lật đổ Mohammed Mossadegh, một lãnh đạo Iran được dân bầu, và thay thế vào đó là một đồng minh “ốm yếu” của phương Tây.

Họ sẽ không chào đón binh sỹ Mỹ như là những người giải thoát cho họ. Có thể sẽ có Trận chiến Tehran, và trận đó có thể sẽ kéo dài và nhiều thương vong.

Khác biệt lớn thứ hai là Saddam không có sự hỗ trợ bên ngoài để đối phó với kẻ xâm lược. Quân đội của ông ta phải đối đầu trực tiếp với quân đội Mỹ. Trong khi đó, Iran có thể tiến hành một cuộc chiến không đối xứng.

Iran có thể đóng cửa Eo biển Hormuz, các lực lượng ủy nhiệm của họ có thể nã tên lửa vào Israel và vào các lực lượng của Mỹ ở khu vực. Tehran cũng có thể tiến hành chiến tranh mạng nhằm vào các hệ thống kiểm soát kênh thông tin, tình báo và tên lửa dẫn đường của quân đội Mỹ hoặc thậm chí nhắm vào cơ sở hạ tầng cốt yếu của Mỹ trên phạm vi rộng lớn hơn.

Mặc dù Mỹ cũng có năng lực phòng vệ mạng ở cấp độ sâu rộng nhưng nước này chưa từng sử dụng đến năng lực này trong cuộc chiến với một cường quốc khu vực.

Tình trạng đối đầu sẽ khó có thể đoán định và có thể gây thiệt hại nặng cho cả hai bên. Rốt cục, Trump có thể tiến hành chiến tranh hoặc bất kỳ chiến dịch gây sức ép nào đối với Iran mà không có sự tham gia của bất kỳ đồng minh truyền thống nào của Mỹ. Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Israel có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp căn cứ, tình báo và có thể cả hỏa lực (dù không chắc về điều này).

Tuy nhiên, cuộc chiến này sẽ không bao gồm các đồng minh châu Âu của Mỹ - những nước đã đóng vai trò chính trị quan trọng trong cuộc chiến ở Iraq.

Và rồi khi ấy sẽ nổi lên quan điểm cho rằng cuộc chiến này thực ra chỉ là sự cấu kết của những người Arab dòng Sunni, người Do Thái và người Mỹ chống lại người Hồi giáo dòng Shiite, do đó, làm trầm trọng hơn các cuộc xung đột sắc tộc ở khu vực.

Các nhân vật cao cấp trong chính quyền Trump đang đưa ra những thông điệp khác nhau về mục đích của tình trạng căng thẳng gần đây. Ngoại trưởng Mike Pompeo thì gọi đây là chiến dịch “gây sức ép tối đa” nhằm đưa Iran quay lại bàn đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ không “lùi bước” cho đến khi Tehran thay đổi cách “hành xử” của mình.

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton thì công khai kêu gọi thay đổi chế độ bằng sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Ông Trump thực sự muốn gì từ những lời lẽ “đao to búa lớn” này?

Câu trả lời chưa rõ ràng. Nếu ông Trump thụ động ngồi chờ tình trạng leo thang diễn ra thì ông sẽ tiến tới một cuộc chiến. Nếu ông Trump không muốn chiến tranh, ông sẽ biết cách hạ nhiệt căng thẳng.

Vấn đề là ông Trump không có nhân vật thân cận nào bên mình để giúp ông tìm ra cách hạ nhiệt. Không ai trong chính quyền Donald Trump có bất kỳ vốn liếng ngoại giao nào để giao thiệp với Iran. Donald Trump sẽ phải tự làm công tác ngoại giao đó. Và điều đó, tự thân nó, là hết sức căng thẳng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục