Cuộc chiến giành nhân tài: Khía cạnh mới trong cạnh tranh Mỹ-Trung?

Xu hướng phát triển của nhân tài, đặc biệt là việc đi hay ở của nhân tài ưu tú gốc Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến sự thăng trầm và thắng bại của cuộc đọ sức chiến lược giữa hai cường quốc Mỹ-Trung.
Cuộc chiến giành nhân tài: Khía cạnh mới trong cạnh tranh Mỹ-Trung? ảnh 1Trung Quốc được cho là đang tìm cách “thâu tóm” chuyên gia của Mỹ. (Nguồn: Study International)

Trong những năm gần đây, sự lạm dụng chủ nghĩa dân túy “nước Mỹ trước tiên,” cộng thêm tình hình kinh tế tồi tệ và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh do dịch bệnh đã không những làm xuất hiện làn sóng chống Trung Quốc và ác cảm với người gốc Á, mà còn kích hoạt “chủ nghĩa McCarthy mới” chưa từng có trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Gần đây nhất, mười mấy học giả Mỹ đã bị khởi tố tội che giấu tham gia “Chương trình ngàn nhân tài” của Trung Quốc. Giới học thuật Mỹ quan ngại hoạt động được gọi là “săn phù thủy” này sẽ làm cho nhân tài tháo chạy, khiến Trung Quốc chuyển từ bị động thành chủ động, tích cực hơn trong việc thu hút nhân tài công nghệ cao ở khu vực Bắc Mỹ.

Cơn sóng ngầm “săn phù thủy” này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do sáng tạo học thuật của Mỹ, buộc các học giả gốc Trung Quốc đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã giữa “đi và ở.”

Không dừng lại ở đó, phạm vi tác động đã lan rộng sang việc chấp nhận của Mỹ đối với du học sinh, nghiên cứu sinh Trung Quốc, đe dọa nền tảng nghiên cứu cơ bản của Mỹ.

Xét từ góc độ trung và dài hạn, xu hướng phát triển của nhân tài, đặc biệt là việc đi hay ở của nhân tài ưu tú gốc Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự thăng trầm và thắng bại của cuộc đọ sức chiến lược giữa hai cường quốc Mỹ-Trung trong tương lai.

“Hiện tượng Tiền Học Sâm” tái hiện?

Trung Quốc từng trải qua giai đoạn nền khoa học và công nghiệp quốc gia yếu kém, trang thiết bị quốc phòng chủ yếu vẫn là kê và súng trường. Việc giúp Bắc Kinh thoát khỏi tình trạng khó khăn phần lớn phụ thuộc vào đội ngũ nhân tài trở về từ các nước tiên tiến như Mỹ và châu Âu, bao gồm giáo sư Tiền Học Sâm - người hỗ trợ Trung Quốc xây dựng ngành công nghiệp tên lửa.

Giáo sư Tiền Học Sâm được quân đội Mỹ ví von có thể địch với 5 sư đoàn, khi yêu cầu trở về nước đã bị Cục Di trú và nhập tịch Mỹ bắt giam 15 ngày, sau khi được thả tự do thậm chí còn bị tước quyền nghiên cứu, và phải trải qua 5 năm khắc nghiệt mới có thể đặt chân về nước.

[Quan hệ Mỹ-Trung Quốc: Bao giờ sau cơn mưa, trời lại sáng?]

Vào thời điểm đó, dưới sự chủ trì trực tiếp của Thủ tướng Chu Ân Lai, Trung Quốc đã kêu gọi nhân tài công nghệ cao ở Mỹ về nước tham gia công cuộc xây dựng Trung Quốc mới, thu hút được hàng trăm nhân tài trở về đất nước, trong đó bao gồm một loạt nhân vật ưu tú được nhận giải thưởng danh giá “Hai bom, một vệ tinh” của Trung Quốc vào năm 1999 như Đặng Giá Tiên, Đồ Thủ Ngạc, Tiền Học Sâm, Quách Vĩnh Hoài, Dương Gia Trì, Trần Năng Khoan, Ngô Tự Lương, Nhậm Tân Dân, Chu Quang Á, Vương Hy Lý…

Hiện nay, hoạt động “săn phù thủy” của Mỹ đối với giới tinh hoa gốc Trung Quốc không có gì thay đổi sau khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống, trong đó một ví dụ điển hình là vụ việc Giáo sư thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), viện sỹ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Mỹ Trần Cương bị bắt vào ngày 14/1.

Sau khi ông Joe Biden lên cầm quyền, vụ án hình sự này tiếp tục diễn ra, mặc dù ngày 22/1 Viện trưởng MIT Leo Rafael Reif công bố bức thư, giải thích rõ kinh phí “19 triệu USD đến từ Trung Quốc” mà cáo trạng viện dẫn không phải do Giáo sư Trần Cương nhận được, mà là một phần trong dự hợp tác giữa MIT và Đại học Khoa học công nghệ phương Nam Trung Quốc.

Ngày 26/1, Viện trưởng Leo Rafael Reif và 160 giảng viên cùng ký một bức thư thể hiện sự ủng hộ đối với ông Trần Cương, nhưng hoạt động tranh tụng của Bộ Tư pháp vẫn diễn ra bình thường.

Năm 2020, mặc dù dịch bệnh hoành hành song vẫn có hơn 10 học giả gốc Trung Quốc và không phải gốc Trung Quốc bị truy tố, trong đó bao gồm Turab Lookman - cựu nhân viên phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos bị kết án vào tháng Chín; cựu chủ nhiệm khoa Hóa sinh Đại học Harvard Charles M. Lieber bị truy bố vào tháng Sáu; cựu Giáo sư Đại học Emory Lý Hiểu Giang nhận tội vào tháng Năm; cựu Giáo sư Đại học West Virginia James Patrick Lewis nhận tội vào tháng Ba; nhà khoa học người Trung Quốc Hồ An Minh của Đại học Tennessee bị bắt giữ vào tháng Hai…, bao trùm trên các lĩnh vực như hóa sinh, hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, trong đó phần lớn bị cáo buộc che giấu tham gia “Chương trình ngàn nhân tài” của Trung Quốc, không khai báo “thu nhập bất hợp pháp” ở Trung Quốc.

Trên thực tế, phạm vi điều tra của các cơ quan quản lý chức năng Mỹ đã vượt xa phạm vi của “Chương trình ngàn nhân tài.” Emily Weinstein, người phụ trách kho dữ liệu “theo dõi chương trình ngàn nhân tài Trung Quốc” tiết lộ với truyền thông rằng họ phải điều tra hành động tuyển mộ nhân tài của Trung Quốc từ góc độ rộng hơn và sâu hơn, chứ không chỉ đi sâu vào một dự án cụ thể. Bởi vì Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống đồng bộ xoay quanh những dự án này, đảm bảo tất cả các dự án tài năng đều có thể phục vụ cho họ.

Ngoài điều tra và truy tố những nhân tài ưu tú tham gia vào quá trình xây dựng Trung Quốc, Mỹ cũng bắt đầu ngăn chặn việc tuyển dụng lưu học sinh Trung Quốc.

Vào thời điểm chuyển giao mùa Xuân và mùa Hè năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu thẩm tra các lưu học sinh và học giả Trung Quốc có vỏ bọc khoa học công nghệ quân sự hoặc quốc phòng, và học giả Đường Quyên của Đại học Stanford là một trong những vụ án nổi tiếng liên quan đến Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco. Sau đó, Mỹ đã thu hồi thị thực của hơn 1.000 lưu học sinh và học giả Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, xét từ xu hướng tăng cường chia tách công nghệ cao, tiếp tục thúc đẩy chiến tranh lạnh công nghệ với Trung Quốc của ông Joe Biden sau khi lên cầm quyền, dự đoán tình trạng bài xích nhân tài du học của Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra.

Điều này khiến giới học thuật và giới khoa học công nghệ Mỹ tương đối lo lắng, quan ngại việc này sẽ khiến Mỹ mất đi ưu thế trong cạnh tranh khoa học công nghệ.

Sarah Spreitzer - Giám đốc phụ trách quan hệ chính phủ tại Hội đồng Giáo dục Mỹ - cho biết: “Chúng tôi lo ngại điều này có thể sẽ truyền tải một thông điệp, đó là chúng tôi không còn hoan nghênh những sinh viên ưu tú đến từ khắp nơi trên thế giới.”

Một mũi tên trúng hai mục đích

Dưới sự trấn áp đột ngột của Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, Chính phủ Trung Quốc đã lúng túng trong một thời gian, thậm chí tránh đề cập đến “Chương trình ngàn nhân tài” một cách công khai để giảm nhẹ xung đột với Mỹ.

Tuy nhiên, cùng với việc chuyển giao quyền lực giữa hai đảng của nước Mỹ, ông Joe Biden tiếp tục thúc đẩy “quỹ đạo tách rời công nghệ” với Trung Quốc, đồng thời xác định rõ Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu, thì Bắc Kinh đã thay đổi “chính sách nhượng bộ” trước đó, xác định nguyên tắc “tự lập tự cường khoa học công nghệ để giành quyền chủ động phát triển” tại kỳ họp Lưỡng hội toàn quốc năm 2021.

Trung Quốc cho rằng trước đây dù rất khó khăn nhưng Bắc Kinh vẫn có thể thu hút những nhà khoa học yêu nước như ông Tiền Học Sâm. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có khả năng cung cấp những điều kiện ưu đãi không kém Mỹ cho các nhà khoa học và giới tinh hoa công nghệ, hơn nữa dựa theo nguyên tắc “kẻ này suy yếu, kẻ khác mạnh lên” thì việc thu hút nhân tài từ Mỹ về nước không những có thể mở rộng sức mạnh khoa học công nghệ của Trung Quốc, mà đồng thời cũng làm suy yếu năng lực sáng tạo của Mỹ, có thể gọi là “một mũi tên trúng hai mục đích."

Hiện nay, khi “cuộc chiến công nghệ” đã diễn ra thì Trung Quốc sẽ có thể đưa ra chính sách thu hút nhân tài công khai và trực tiếp hơn. “Chương trình ngàn nhân tài” trước đây chỉ yêu cầu “nhân tài kiêm nhiệm”, mỗi năm làm việc 3 tháng ở Trung Quốc là có thể nhận được sự hỗ trợ ưu đãi.

Tuy nhiên, “Chương trình ngàn nhân tài” mới dứt khoát yêu cầu nhân tài hàng đầu trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, bao gồm người gốc Trung Quốc, phải từ bỏ công việc ở nước ngoài, cư trú ở Trung Quốc từ 1 đến 3 năm, giành toàn bộ thời gian tham gia phát triển khoa học công nghệ của Trung Quốc.

Cách các trường đại học Trung Quốc thu hút nhân tài

Làn sóng cạnh tranh thu hút nhân tài này của Trung Quốc thậm chí đã lan đến các trường đại học trọng điểm ở các thành phố lớn. Ví dụ điển hình là một trường đại học địa phương như Đại học Tài chính và Kinh tế Nam Kinh cũng đã đưa ra những điều kiện như sau đối với mạng lưới nhân tài nước ngoài: Sinh sau năm 1980, có học vị tiến sỹ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học công trình, có thời gian làm việc ở các cơ sở nghiên cứu khoa học nước ngoài trên 3 năm, mức trợ cấp mỗi năm từ 1 triệu đến 3 triệu nhân dân tệ (khoảng 460.000 USD), sau khi nhận tài trợ phải từ bỏ công việc ở nước ngoài, giành toàn bộ thời gian về Trung Quốc làm việc tối thiểu 3 năm.

Rõ ràng, mục tiêu của những điều kiện này là nhằm vào những nhân tài trẻ tuổi gốc Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao và công trình ở Bắc Mỹ.

Ngoài nhân tài cao cấp, các đô thị quốc tế của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải… cũng sẽ thu hút lưu học sinh về nước, ban hành các chính sách ưu đãi như nhập hộ khẩu ngay lập tức, tuyển dụng những nhân tài công nghệ tầm trung có ý định ở lại Mỹ. Điều này đã gây nên thách thức nghiêm trọng đối với công tác nghiên cứu cơ bản và hoạt động trong các phòng thí nghiệm ở Mỹ và Canada.

Trong cạnh tranh sáng tạo công nghệ cao, dòng chảy nhân tài sẽ quyết định ai thắng ai bại. Từ đó có thể thấy, trong cuộc đọ sức “marathon siêu cường” Mỹ-Trung, hoạt động “bắt gián điệp” biến thành “săn phù thủy” đã gây nên trở ngại lớn đối với Mỹ trong việc thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài trên lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM).

Ngược lại, Trung Quốc dựa vào các điều kiện ưu đãi như trợ cấp hậu hĩnh, tự do đi lại… để đãi ngộ nhân tài cao cấp và thu hút lưu học sinh về nước, nên sẽ giành được ưu thế trong cuộc chiến về nhân tài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục