Cuộc chơi nguy hiểm của chính sách 'bên miệng hố chiến tranh hạt nhân'

Iran đã hành động để hy vọng buộc châu Âu tiến hành hành động quyết liệt để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đang lung lay nhưng thay vào đó họ lại có nguy cơ chọc giận một vài nước ủng hộ còn lại.
Cuộc chơi nguy hiểm của chính sách 'bên miệng hố chiến tranh hạt nhân' ảnh 1Kỹ thuật viên làm việc trong cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran của Iran 420km về phía Nam. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng foreignpolicy.com đưa tin với việc cam kết dự trữ urani và vi phạm các nội dung chính của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran đang hy vọng buộc châu Âu tiến hành hành động quyết liệt để cứu vãn thỏa thuận đang lung lay này - nhưng thay vào đó họ lại có nguy cơ chọc giận một vài nước ủng hộ còn lại.

Ngày 17/6, Iran tái khẳng định những lời đe dọa trước đó rằng họ sẽ ngừng tuân thủ một số điều khoản quan trọng trong thỏa thuận hạt nhân.

Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi nhấn mạnh rằng trong vòng 10 ngày tới, Iran sẽ vượt ngưỡng dự trữ urani được làm giàu mà họ được cho phép trong thỏa thuận hạt nhân và đưa khả năng làm giàu urani lên mức cần thiết để chế tạo vũ khí.

[Quan chức Iran khẳng định sẽ không đối đầu quân sự với Mỹ]

Tuyên bố này - với việc khẳng định lại những đe dọa của Tổng thống Hassan Rouhani tháng trước - được xem là một cách để hối thúc các nước châu Âu vốn ủng hộ thỏa thuận phải thực hiện cam kết gỡ bỏ trừng phạt kinh tế với Iran và giúp làm trung gian hòa giải với Washington.

Trong cuộc họp báo hôm 17/6, ông Kamalvandi nói: “Tôi cho rằng đến nay phía châu Âu đã không thực hiện bổn phận của họ và họ đã phí phạm nhiều thời gian. Họ nói rất hay nhưng không làm được gì.”

Một số nhà phân tích mô tả tuyên bố này là hành vi khiêu khích được tính toán cẩn thận.

Esfandyar Batmanghelidj, chuyên gia về Iran và là nhà sáng lập công ty truyền thông Bourse & Bazaar, nói: “Iran cho rằng chừng nào châu Âu vẫn cảm nhận những gì đang diễn ra chỉ là cuộc khủng hoảng kinh tế, thì hành động phản ứng của họ sẽ chỉ hạn chế trong lĩnh vực kinh tế."

Ông cho rằng Tehran đang thúc đẩy tình hình hiện nay biến thành một cuộc khủng hoảng an ninh, chứ không phải cuộc khủng hoảng kinh tế, để gây sức ép với các nước tham gia thỏa thuận còn lại - các nước châu Âu cùng Nga và Trung Quốc - hối thúc Washington trở lại bàn đàm phán.

Tuy nhiên, châu Âu gần như không mang lại gì cho Iran trong việc gỡ bỏ trừng phạt hay gây ảnh hưởng với Washington.

Châu Âu vẫn “duy trì sự sống” của thỏa thuận hạt nhân Iran trong vòng 2 năm qua, trước tiên với việc chỉ trích quyết định rút khỏi thỏa thuận của Mỹ và sau đó là tham gia các cuộc đàm phán nhằm đảm bảo với Iran rằng châu Âu sẽ làm mọi thứ có thể để giảm bớt “nỗi đau” của các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, chính quyền Trump càng tỏ ra cứng rắn hơn với Tehran và không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ trở lại thỏa thuận hạt nhân.

Ilan Goldenberg, người từng là cố vấn của Bộ Quốc phòng Mỹ về chính sách Iran từ năm 2009-2012, nói: “Châu Âu không thể làm gì nhiều để giải quyết các quan ngại của Iran về các lệnh trừng phạt. Các chính phủ châu Âu không thể khiến các công ty của họ đầu tư vào Iran bởi họ không muốn hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ."

Phát biểu với Foreign Policy, Gérard Araud - cựu đại sứ Pháp tại Mỹ - nói rằng đây không phải lần đầu tiên Iran đe dọa phá vỡ thỏa thuận hạt nhân.

Ông cho rằng động thái mới nhất này giống như “một dấu hiệu cho thấy sự kiên nhẫn của họ sắp cạn, chứ không phải là sự thay đổi hoàn toàn."

Tuy nhiên, quyết định của Iran về việc tuân thủ hoàn toàn các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đã không được duy trì.

Ông Araud nói: “Về mặt chính trị, quyết định đó không thể được duy trì. Cuối cùng chúng ta biết được điều gì sẽ xảy ra.”

Ông Araud gần như không tin rằng thỏa thuận tài chính quan trọng của châu Âu với tên gọi “phương tiện phục vụ mục đích đặc biệt - INSTEX,” với mục tiêu né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, sẽ tạo dựng lòng tin cho các công ty châu Âu trong hoạt động giao thương với Iran.

Ông khẳng định: “Nói một cách thẳng thắn rằng công cụ đó sẽ không hiệu quả. Khi các công ty châu Âu được trao lựa chọn giữa việc giao thương với Mỹ và Iran, họ sẽ không hề do dự. Họ rất sợ hãi trước các lệnh trừng phạt của Mỹ."

Như vậy Iran đang hy vọng đạt được gì qua việc cố tình gia tăng nguy cơ và xa rời một vài nước còn lại vốn tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đang “hấp hối” trong một năm qua?

Sau khi chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc với Iran, ông Rouhani đã đưa ra lời khuyên về sự “kiên nhẫn chiến lược,” với hy vọng rằng EU và các nước khác sẽ tìm ra cách thức để hiện thực hóa các lợi ích kinh tế được hứa hẹn trong thỏa thuận.

Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực rời rạc, bao gồm nỗ lực tạo ra “phương tiện phục vụ mục đích đặc biệt - INSTEX” để hỗ trợ thương mại giữa châu Âu và Iran, mọi sự gắng sức đều không mang lại nhiều kết quả.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã hủy hoại ngành xuất khẩu dầu thô của Iran, một trong các nguồn thu chính của nước này, gây tổn hại tới nền kinh tế và làm xói mòn quyền lực của ông Rouhani.

Động thái mới nhất của Iran không hẳn khiến thỏa thuận sụp đổ, dù nó được tính toán kỹ càng.

Về mặt kỹ thuật, tuyên bố của Iran rằng họ sẽ vượt ngưỡng sở hữu 300 kg urani được làm giàu một phần được kích động bởi quyết định của Mỹ về việc ngăn cấm Iran xuất khẩu urani ra bên ngoài.

Mặc dù Iran có thể sản xuất ít hơn và duy trì dưới ngưỡng cho phép, nhưng việc bị tước bỏ cơ chế đã được nhất trí theo đó Iran có thể xuất khẩu urani ra bên ngoài khiến nước này khó có thể tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Batmanghelidj cho rằng: “Ngay cả khi thỏa thuận bị ‘chết yểu’ ở mức độ kỹ thuật nào đó, thì cánh cửa ngoại giao vẫn để ngỏ.”

Chính quyền Trump đã thay đổi “như chong chóng” giữa việc gia tăng trừng phạt, đe dọa tiến hành hành động quân sự và đề xuất đàm phán với Iran.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tiến hành chiến dịch gây sức ép, các nhà lãnh đạo Iran đã không hề muốn quay trở lại bàn đàm phán dưới sức ép của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục