Đà Nẵng mở rộng không gian đô thị, thay 'chiếc áo cũ đã chật'

Để chuẩn bị cho một cuộc bứt phá của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với vai trò đầu tàu, những năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực cải thiện hình ảnh và vị thế để đáp ứng yêu cầu chung của khu vực.
Cầu Thuận Phước ở Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Cầu Thuận Phước ở Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Sau một thời gian chia tách, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc. Với tầm nhìn về chiến lược, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có những quyết định táo bạo, trong đó có việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian đô thị để phát triển.

Trong quá trình đó, đã có hàng trăm ngàn hộ dân ủng hộ việc di dời, giải tỏa, chỉnh trang đô thị. Song đối với một số người dân cố chấp, đòi hỏi quyền lợi một cách thái quá, không hòa chung vào sự phát triển của thành phố thì cũng cần có những biện pháp nghiêm minh theo đúng quy định của phát luật.

Bài 1: Chủ trương mở rộng không gian đô thị để phát triển

Từ năm 1997, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Trong hơn 10 năm sau khi chia tách, Đà Nẵng đã liên tục thay đổi gương mặt của mình.

Chưa bao giờ trong quá trình phát triển, Đà Nẵng quyết liệt "tự làm mới mình" như thế. Sự phát triển Đà Nẵng vừa là nhu cầu tự thân, vừa là để đáp ứng yêu cầu của một thành phố đầu tàu có sứ mệnh liên đới trách nhiệm đối với miền Trung trong giai đoạn mới của đất nước.

Chiếc áo cũ đã chật

Trước đây nhiều người từng than phiền cho sự manh mún già cỗi của công nghiệp Đà Nẵng với hạ tầng giao thông đô thị lạc hậu. Lúc đó, trung tâm thành phố chỉ xoay quanh quận Thanh Khê và Hải Châu.

Trước áp lực phải đổi mới để phát triển, Đà Nẵng đã chủ trương lấy công nghiệp làm đòn bẩy phát triển, cơ cấu kinh tế Đà Nẵng có chuyển dịch đáng kể theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ phù hợp với xu thế chung của cả nước và những đô thị lớn.

Để chuẩn bị cho một cuộc bứt phá của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với vai trò đầu tàu, những năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực cải thiện hình ảnh và vị thế của mình để đáp ứng yêu cầu chung của khu vực.

Tuy nhiên, một yêu cầu bức thiết đặt ra là muốn phát triển kinh tế xã hội theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ thì cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông, nhân lực phục vụ... phải nhanh chóng đáp ứng yêu cầu để chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng như thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đến thời điểm những năm cuối cùng của thế kỷ 20, “chiếc áo” đô thị của Đà Nẵng dường như đã quá nhỏ bé so với sức lớn từng ngày của thành phố trẻ.

Mở rộng không gian đô thị để phát triển

Trước nhu cầu bức thiết phải mở rộng không gian đô thị để phát triển, Đà Nẵng đã mạnh dạn phát triển đô thị theo hướng Tây và Nam của thành phố.

Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, cho biết với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và dân thành phố, từ một thành phố có xuất phát điểm thấp, Đà Nẵng đã nỗ lực mở rộng không gian đô thị, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội và đã góp phần không nhỏ vào tổng thu nhập ngân sách của thành phố.

Về quy mô, tổng thu ngân sách của thành phố năm 1997 là 1.164 tỷ đồng, năm 2010 là 17.755,9 tỷ đồng, đến năm 2014 tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 20.092 tỷ đồng và năm 2015 là 21.426,9 tỷ đồng.

[Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm kinh tế biển]

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng dần qua từng năm với mức tăng bình quân là 9,4%/năm. Do vậy, những thành tựu về tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng trong thời gian qua là rất ấn tượng và đáng tự hào.

Đà Nẵng với diện tích tự nhiên khá ít với khoảng 1.255km2. Vì vậy, muốn phát triển thành phố, phải mở rộng không gian về phía huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ và Liên Chiểu.

Trong một quá trình dài, cả thành phố Đà Nẵng như một đại công trường khi phải di dời hàng trăm ngàn hộ dân, có những hộ phải chỉnh trang nhưng có những hộ phải di dời để giải tỏa trắng.

Nhìn chung, với sự vận động của chính quyền, người dân Đà Nẵng đã chấp nhận những chủ trương phát triển của thành phố. Trong quá trình đó, có những hộ gia đình chấp nhận thiệt thòi trong quá trình đền bù, giải tỏa để hướng tới mục tiêu phát triển thành phố.

Ông Nguyễn Đình Quý (huyện Sơn Trà) cho biết: "Gia đình tôi nằm trong diện giải tỏa để làm đường Phạm Văn Đồng. Mặc dù gặp không ít khó khăn vì thời gian giải tỏa, bố trí tái định cư kéo dài nhưng vì mục tiêu chung tay phát triển thành phố, khi được thông báo nhận đất tái định cư, tôi đã cùng gia đình vui vẻ thực hiện."

Đà Nẵng mở rộng không gian đô thị, thay 'chiếc áo cũ đã chật' ảnh 1Một góc thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Chị Nguyễn Thị Liên (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) bộc bạch: "Gia đình tôi nằm trong diện giải tỏa khu vực ven biển để dành đất cho các dự án du lịch. Với tâm thế là người con của Đà Nẵng, tôi cũng mong thành phố phát triển mọi mặt để người dân trước mắt và các thế hệ con cháu chúng tôi sau này được hưởng các chế độ an sinh xã hội tốt hơn. Khi nhận được đất tái định cư, mặc dù chưa thu hồi đất ở chỗ cũ nhưng gia đình tôi vẫn nghiêm túc chấp hành ra thuê trọ trong thời gian xây nhà."

Rất nhiều gia đình đã chung tay, đồng lòng trong quá trình phát triển thành phố Đà Nẵng. Có như vậy, tốc độ phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng mới có những bước phát triển vượt bậc.

Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005 đến nay, Đà Nẵng luôn nằm trong nhóm rất tốt, có năng lực cạnh tranh hàng đầu. Nhiều năm, Đà Nẵng được xếp hạng nhất về PCI.

Việc Đà Nẵng luôn đạt thứ hạng cao đối với từng chỉ số thành phần là nhờ môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện; chính sách phát triển đối với khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thông thoáng; thủ tục hành chính được cải cách và đơn giản hóa; kết cấu hạ tầng được đầu tư hiện đại và đồng bộ; chính sách đào tạo lao động được triển khai diện rộng... Đây là những yếu tố cơ bản tạo nên sức cạnh tranh cao cho nền kinh tế thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục