Đại biểu Quốc hội: Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch nền tảng

Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại biểu Quốc hội: Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch nền tảng ảnh 1480/485 đại biểu, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài; điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bên lề Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 9/1, các đại biểu đã chia sẻ về việc thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia; Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19; Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Nền tảng để lập các quy hoạch khác

Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập và ban hành, định ra các kịch bản phát triển, các định hướng phát triển của đất nước trong 10, 30 năm tới.

[Kỳ họp QH bất thường lần 2: Góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn]

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên phạm vi cả nước.

Chia sẻ về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết Chính phủ đã rất nỗ lực, công phu trong quá trình chuẩn bị dự thảo quy hoạch.

Đây là nhiệm vụ rất phức tạp và cấp bách, nên các đại biểu Quốc hội cũng nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng để Quy hoạch tổng thể quốc gia khi được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, vùng, tỉnh.

Đồng thời góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém lâu nay trong công tác quy hoạch, đặc biệt là tình trạng tổ chức không gian phát triển còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa tập trung nguồn lực để hình thành rõ nét các vùng động lực và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh việc thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở quan trọng để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Cũng cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia hết sức quan trọng để từ nền tảng này làm căn cứ xây dựng các quy hoạch khác.

Theo đại biểu, nếu thiếu quy hoạch tổng thể quốc gia hoặc tiến hành chậm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những quy hoạch tiếp theo, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong những năm sắp tới.

Khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực y tế

Trong ngày 9/1, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023) đến ngày 31/12/2024.

Đại biểu Quốc hội: Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch nền tảng ảnh 2Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Nghị quyết kéo dài với một số chính sách cần thiết nhằm duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đại biểu mong muốn, cần tăng cường giám sát, đánh giá, phân tích, nhận định đúng bản chất, nguyên nhân chủ quan, khách quan và phân tích các vấn đề tiêu cực, lãng phí trong công tác phòng, chống dịch vừa qua.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tổ chức giám sát, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực y tế, nhất là việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh thuốc.

Cũng trong ngày, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Khánh Hòa), Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, những quy định về tự chủ, giá dịch vụ khám, chữa bệnh, xã hội hóa… đang còn nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó là tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế, thiếu nhân lực, khó khăn trong hoạt động mua sắm, đấu thầu...

Những vấn đề này nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ không chỉ tác động đến hoạt động khám, chữa bệnh, ngành y tế, mà còn gây bức xúc cho người dân. Cơ quan soạn thảo đã rất cầu thị và tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp tại các kỳ họp.

Do đó, đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, giúp các bệnh viện sớm đi vào hoạt động ổn định. Khi Luật được ban hành, Chính phủ cần sớm cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục