Đại gia Trung Quốc thâu tóm nhiều lâu đài Bordeaux

Chỉ trong vài tuần, đã có 5 lâu đài nằm ở trung tâm rượu vang Bordeaux của Pháp chính thức thuộc sở hữu của các đại gia Trung Quốc.
Nhà sản xuất rượu làm từ quả goji berry (một loại quả nhỏ gần giống với nho) lớn nhất thế giới và một tỷ phú giấu tên khác đã trở thành các nhà đầu tư người Hoa mới nhất "đổ bộ" vào các lâu đài nằm ở trung tâm rượu vang Bordeaux của Pháp.

Trong số này có cả vợ chồng diễn viên điện ảnh Hoa ngữ hàng đầu, Triệu Vi.

Trong vài tuần qua, đã có năm lâu đài ở đây bị mua đứt. Zhang Jinshan, 48 tuổi, sáng lập viên tập đoàn Ningxia Hong có trụ sở ở  Tây Bắc Trung Quốc, đã mua lâu đài Chateau du Grand Moueys từ chủ sở hữu người Đức hôm thứ Sáu tuần trước.

Grand Moueys là một lâu đài nằm trên diện tích rộng 170ha gần làng Capian ở vùng Entre-Deux-Mers của Bordeaux.

Bên cạnh làng Capian, Qu Nai Jie, chủ tịch Tập đoàn Haichang, đã mua biệt thự lâu đài Chateau de Grand Branet và ba cái tương tự như thế ở trong vùng gồm Chateau Branda, Chateau Laurette và Chateau Thebot.

Qu đã mua Chateau Chenu Lafitte hồi năm 2010, và theo quản lý của Grand Branet, ông này hiện đang tích cực theo đuổi các thương vụ tương tự khác.

Phòng Thương mại Bordeaux (CCIB) cho biết trong vùng Bordeaux và xung quanh đó, hơn 12 lâu đài ở nhiều tình trạng khác nhau đã bị cách nhà đầu tư Trung Quốc mua sạch,

Nhân viên bất động sản Eric Groux thuộc cơ quan Conseil Patrimoine ở Paris đã thực hiện việc môi giới bán biệt thự lâu đài trong nhiều năm cho các khách hàng ở Hong Kong, Trung Quốc và Singapore. Các khách hàng Trung Quốc thường thích những tư dinh tương đối ít tiếng tăm, nhưng phải nằm ở quanh các vùng sản xuất rượu vang.

"Họ có thể mua một biệt thự lâu đài với vườn nho bằng giá một căn hộ tại Paris," Groux nói.

Tháng 11 năm ngoái, Groux đã môi giới bán Chateau Monlot, một biệt thự lâu đài rộng 7ha cho diễn viên Triệu Vi và chồng cô với giá 5,4 triệu USD. "Họ phải lòng tư dinh này và rất mê rượu vang," chủ sở hữu cũ của lâu đài Chateau Monlot, Bernard Rivals, nói.

Các đại gia Trung Quốc không chỉ mua các biệt thự lâu đài để nghỉ ngơi giải trí, mà còn coi như một hướng đầu tư nghiêm túc.

Groux nói: "Họ hứng thú với các hầm rượu và tập hợp xung quanh mình các chuyên gia. Họ muốn cải thiện chất lượng rượu vang và họ có khả năng làm  điều đó. Đây là điều tốt cho các xưởng rượu Pháp."

Hội đồng rượu vang Bordeaux thì cho biết các khoản đầu tư cho thấy Trung Quốc đang thèm khát Bordeaux, hiện đã xuất khẩu 420.000 hectolit rượu, trị giá 322 triệu euro mỗi năm. Việc mua biệt thự lâu đài nằm trong chiến lược lớn hơn để thu lợi từ cơn sốt rượu vang ở Trung Quốc.

Haichang Group, vốn tham gia vào hoạt động vận chuyển đường biển, bất động sản, công viên giải trí, hiện đang làm việc với CCIB để đưa liên hoan Wine and Dine (Rượu vang và bữa trưa) nổi tiếng ở Bordeaux về Đại Liên vào tháng Bảy tới.

Thông thường, các chủ biệt thự lâu đài sẽ chuyển toàn bộ sản phẩm rượu vang của họ về Trung Quốc, như Haichang làm với Chenu Lafitte, qua đó đóng cửa hoạt động sản xuất của họ với thế giới phương Tây.

Tuy nhiên gần đây, Zhang Jinshan đã gây chú ý khi định giữ 10-20% các chai rượu Grand Moueys để dành cho thị trường châu Âu và Mỹ. Ông cũng hy vọng biệt thự lâu đài này sẽ là nơi để giao lưu văn hóa về rượu vang và xa xỉ phẩm.

Zhang nói khi đang uống trà trong phòng khách được xây dựng từ thế kỷ 19: "Đây sẽ là một biệt thự lâu đài Trung Quốc và là một phần trong văn hóa mới ở Bordeaux. Có rất nhiều biệt thự lâu đài ở Bordeaux, nhưng chỉ có lâu đài của chúng tôi là mang nét văn hóa Trung Quốc."

Ông hiện có kế hoạch gây dựng nó thành một khu nghỉ dưỡng với sân golf 9 lỗ, các cung đường đi bộ thăm thú thiên nhiên, sân tennis, khách sạn và nhà hàng 70 chỗ chuyên phục vụ món Trung Quốc, chỉ có điều nơi đây sẽ không có bể bơi./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục