Đảm bảo chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia Gìn giữ Hòa bình LHQ

Nghị định số 162/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng được chế độ, chính sách đối với các lực lượng Gìn giữ Hòa bình, trước, trong và sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước.

Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam xuất quân tại Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội), lên đường thực hiện nhiệm vụ của Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam xuất quân tại Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội), lên đường thực hiện nhiệm vụ của Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc là một nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo sâu sát và tạo mọi điều kiện tốt nhất, trong đó có công tác đảm bảo về kinh phí, chế độ, chính sách đối với các lực lượng của Việt Nam đi thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc.

Theo ông Trương Vĩnh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Quốc phòng, An ninh, Đặc biệt (Bộ Tài chính), thành viên Tổ Công tác liên ngành về tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, từ những năm 1996, khi chưa cử lực lượng tham gia, hằng năm Việt Nam đã đóng góp một khoản kinh phí cho các hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc.

Từ tháng 6/2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia với hai sỹ quan quân đội đầu tiên đến Phái bộ tại Nam Sudan.

Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính đã kịp thời hướng dẫn Bộ Quốc phòng mở tài khoản để tiếp nhận nguồn kinh phí do Liên hợp quốc chi trả cho Việt Nam khi tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc. Khoản kinh phí này đã, đang được sử dụng để đảm bảo cho lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc và cấp cho các Bộ làm công tác chuẩn bị và triển khai lực lượng đi làm nhiệm vụ này.

Về đảm bảo ngân sách cho các lực lượng của Việt Nam đi thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, trong giai đoạn đầu khi tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình, để kịp thời đáp ứng nhu cầu về kinh phí của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ứng trước dự toán ngân sách Trung ương cho Bộ Quốc phòng để mua sắm trang thiết bị của một Bệnh viện Dã chiến cấp 2, phục vụ công tác huấn luyện và triển khai lực lượng đi làm nhiệm vụ.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước cho Bộ Quốc phòng, tổng hợp số kinh phí thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc vào dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm để Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đồng thời, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước đảm bảo cho lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc theo nguyên tắc: nhiệm vụ tham gia lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc là nhiệm vụ của Nhà nước. Ngân sách Nhà nước Trung ương đảm bảo cho các nhiệm vụ này và các khoản bồi hoàn của Liên hợp quốc là thu khác của ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương). Ngân sách Nhà nước bố trí dự toán hằng năm để thực hiện những nhiệm vụ theo danh mục, tiêu chuẩn tại Biên bản ghi nhớ.

Khoản bồi hoàn kinh phí của Liên hợp quốc sau khi nhận được sẽ nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Đối với những khoản đã được cấp có thẩm quyền cho phép ứng chi (trước thời điểm Luật Ngân sách Nhà nước có hiệu lực), xử lý thu hồi ứng khi Liên hợp quốc bồi hoàn.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2016/NĐ-CP ngày 14/12/2016 quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác đảm bảo đối với tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc. Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các cơ quan, đơn vị của Việt Nam trong thời gian huấn luyện ở trong nước, trước khi đi làm nhiệm vụ, trong thời gian tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc và sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước.

Nghị định số 162/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng được chế độ, chính sách đối với các lực lượng trước khi đi làm nhiệm vụ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn và sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước; góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác đảm bảo, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc nói riêng và hệ thống pháp luật về chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung khi Việt Nam cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc.

Công tác đảm bảo kinh phí có sự chủ động hơn. Chế độ, chính sách cho cá nhân tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tốt hơn, từ đó động viên, khuyến khích lực lượng tham gia nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành trọng trách được giao. Đồng thời, đây cũng là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách và công tác đảm bảo đối với các đối tượng đảm bảo thống nhất, chặt chẽ.

ttxvn-gin-giu-hoa-binh-2-2323.jpg
Tổ Công tác Bộ Công an Việt Nam tham gia Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tặng quà cho phụ nữ khuyết tật trong trại lánh nạn ở Juba, Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN phát)

Để làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là tạo nguồn nhân sự có chất lượng đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc cũng như đảm bảo đủ điều kiện cho lực lượng của Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, việc Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an cùng các ban, bộ, ngành liên quan rà soát lại công tác đảm bảo, chế độ, chính sách cho các lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 162/2016/NĐ-CP của Chính phủ là cần thiết, nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đảm bảo phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong bối cảnh điều kiện sinh hoạt và làm việc của lực lượng tham gia Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại các địa bàn hết sức khó khăn, phức tạp, cần phải có chế độ, chính sách và công tác đảm bảo cho tương xứng cũng như đảm bảo sự thống nhất với các đối tượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc như quân đội, công an và lực lượng của các bộ, ngành liên quan sau này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục