"Đảm bảo tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho lao động nữ" là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội thảo “Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù” khu vực miền Bắc, diễn ra sáng 25/7 tại tỉnh Yên Bái.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của công nhân, người lao động, nhất là lao động nữ. Việc đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho nhóm lao động nữ ở nông thôn ra thành thị là một trong những chính sách của Đảng, Nhà nước ta, góp phần tạo điều kiện phát triển toàn diện người phụ nữ trong tình hình mới.
Tạo cơ hội tiếp cận việc làm bền vững
Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy từ tháng 9/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến một bộ phận không nhỏ người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động và gia đình.
Phụ nữ là đối tượng có nguy cơ bị mất việc làm nhiều hơn nam giới. Một trong những nguyên nhân là do việc đào tạo nghề cho lao động nữ ở vùng nông thôn còn hạn chế.
Theo số liệu thống kê, vùng trung du và miền núi phía Bắc có 51.500 lao động nữ, chiếm 16,44% tổng số lao động nữ của cả nước. Tuy nhiên, lực lượng lao động đã qua đào tạo trong vùng đạt 26,1%.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...
Tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách đặc thù đối với các nhóm phụ nữ; luôn tin tưởng vai trò và khai thác hết những tiềm năng, khả năng sáng tạo, ý chí vươn lên, khát vọng phát triển của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho lao động nữ là một trong những vấn đề quan trọng cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
Nêu ra những thách thức với công tác phụ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù hiện nay, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước tiếp tục tác động đa chiều, khó lường đến phụ nữ và công tác phụ nữ.
Biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của người dân, trong đó có phụ nữ. Tình hình tội phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em ngày càng phức tạp, đa dạng, tinh vi.
Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em ngày càng gia tăng, nghiêm trọng. Vấn nạn tảo hôn, phụ nữ bị mua bán, phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì mục đích kinh tế vẫn diễn biến phức tạp…
Điều đó đòi hỏi công tác phụ nữ cần những nội dung và phương pháp mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác vận động phụ nữ.
Bên cạnh đó, còn tồn tại định kiến giới và phân biệt đối xử về giới đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa quan tâm đúng mức đối với công tác phụ nữ, thiếu sự quan tâm, phối hợp tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chủ trương, chính sách chung đối với phụ nữ và công tác phụ nữ.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ.
Trong đó, Trung ương Hội chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố giám sát thực hiện tốt chính sách, pháp luật về phụ nữ, lao động nữ, cán bộ nữ; chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ nghèo vùng nông thôn…
[Từ 20/6/2023, lao động nữ được khám phụ sản khi khám sức khỏe định kỳ]
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng cho rằng Ban Dân vận các tỉnh, thành cần theo sát, đánh giá đúng, cụ thể các vấn đề liên quan đến phụ nữ và công tác phụ nữ tại địa bàn để có những tham mưu cụ thể cho cấp uỷ trong việc xác định các cơ chế ưu tiên của địa phương nhằm tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hiện có đối với các nhóm phụ nữ đặc thù, khó khăn.
Từ đó, tạo việc làm bền vững cho lao động nói chung và lao động nữ nói riêng vùng nông thôn, miền núi.
Hỗ trợ lao động nữ di cư
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới. Họ chịu nhiều rủi ro, áp lực và bị bạo lực, lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử trong khi không có nghề nghiệp.
Hiện nay, người công nhân, lao động đang chịu nhiều khó khăn, nhất là sau đại dịch COVID-19. Đa số nữ công nhân ở các khu công nghiệp xuất thân từ khu vực nông thôn và nhập cư về thành phố đều chọn thuê nhà trọ giá rẻ với diện tích nhỏ hẹp, điều kiện sinh hoạt tối thiểu còn hạn chế.
Các gia đình phải cân đối các khoản chi phí cho phù hợp, đảm bảo một phần tích lũy nhỏ để có thể gửi về quê nuôi con hoặc phụ giúp gia đình; thời gian chăm sóc gia đình bị hạn chế. Họ chưa có nhiều sự lựa chọn trong các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhận định phụ nữ di cư mang theo rất nhiều trách nhiệm và nhiều rủi ro. Họ luôn ở tâm thế là người lao động tự do yếu thế. Chính vì vậy họ luôn ngại tiếp xúc với những gì chính thống. Những chính sách dịch vụ phúc lợi công không đến được với họ.
Để hỗ trợ phần nào những mong muốn chính đáng của phụ nữ di cư, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi cho rằng cần đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ di cư rất quan trọng nhưng phải gắn với việc làm mới đem lại hiệu quả.
Ngoài ra, những chính sách cho phụ nữ di cư phải cụ thể, thiết thực như vấn đề nhà ở, sử dụng dịch vụ công, sử dụng bảo hiểm y tế khám chữa bệnh một cách thuận lợi và phù hợp với tính chất việc làm của họ.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh, cần tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách cụ thể, phù hợp và thuận lợi.
Trong đó, nhóm phụ nữ di cư cần có chính sách đặc thù trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm vì họ đang thiếu cơ hội tiếp cận việc làm bền vững; nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số cần chính sách bổ sung nhằm tăng cường tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; dịch vụ y tế chăm sóc sức khoẻ; dịch vụ hỗ trợ việc làm và các tiện ích xã hội…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh đề xuất Trung ương nghiên cứu để có quy định, chính sách nhằm cải thiện vị thế của lao động nữ như giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội ở những khu vực có nhiều lao động nữ; tiếp tục có chính sách hỗ trợ các nhóm yếu thế trong thị trường lao động (lao động nữ chưa qua đào tạo, lao động nữ người dân tộc thiểu số, lao động nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn)...
Trên cơ sở đó, Hội có những tham mưu cụ thể cho cấp ủy trong việc xác định các cơ chế ưu tiên của địa phương để tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách hiện có đối với các nhóm phụ nữ đặc thù, khó khăn.
Đồng thời, đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để tạo cơ hội việc làm bền vững và đảm bảo sự tiếp cận chính sách an sinh xã hội (văn hóa, y tế, giáo dục…) cho nhóm lao động nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số; quan tâm đến nhu cầu thụ hưởng văn hóa, xã hội và việc làm của phụ nữ cao tuổi.
Các chuyên gia xã hội học đề xuất, vấn đề về phụ nữ lao động di cư cần phải đặt lên bàn nghị sự; cần hiểu hơn nhu cầu thiết thực của phụ nữ di cư để xây dựng chính sách; xây dựng cơ chế trao quyền và nâng cao năng lực của phụ nữ, đảm bảo sinh kế bền vững, phục hồi sinh kế thông qua mô hình tiết kiệm vi mô, nhóm tương trợ cộng đồng…/.