Ngày 16/2, vòng đàm phán mới nhất về tái thống nhất đảo Cyprus cấp lãnh đạo hai cộng đồng đã kết thúc mà không đạt được bất cứ tiến bộ nào.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đặc phái viên Liên hợp quốc về tái thống nhất đảo Cyprus, ông Espen Barth Eide, tiến trình này vẫn đang đi đúng hướng.
Trong thông báo kết quả cuộc hòa đàm trước báo giới tại thủ đô Nicosia, ông Espen Barth Eide cho biết cuộc đàm phán giữa Tổng thống Cộng hòa Cyprus, ông Nicos Anastasiades, đại diện cho cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp, và ông Mustafa Akinci - lãnh đạo cộng đồng Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đã "diễn ra không vui vẻ và kết thúc bất ngờ."
Tuy nhiên, đại diện Liên hợp quốc khẳng định kết quả này không ảnh hưởng đến lịch trình của vòng hòa đàm kế tiếp, dự kiến diễn ra vào ngày 23/2 tới.
Cho đến nay, đại diện cộng đồng gốc Hy Lạp kiên quyết yêu cầu phía người gốc Thổ Nhĩ Kỳ phải hoàn trả một phần lãnh thổ hiện nay và cho phép nhiều người gốc Hy Lạp được trở về nhà cũ nơi họ đã phải rời bỏ năm 1974.
Cộng đồng gốc Hy Lạp cũng đặt ra yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút toàn bộ binh sỹ của mình khỏi đảo Cyprus, trong khi cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ sự hiện diện quân sự này.
Vòng đàm phán gần đây nhất giữa hai bên vào tháng 1/2017 cũng không đạt được bước đột phá, bất chấp những hy vọng lạc quan trước đó của cộng đồng quốc tế về một thỏa thuận tái thống nhất đảo Cyprus, kết thúc một trong những cuộc tranh chấp địa chính trị dai dẳng nhất trên thế giới
Đảo Cyprus bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus."
Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý./.