Đằng sau kế hoạch bán tháo cổ phiếu các doanh nghiệp lớn của Nga

Trong điều kiện Nga đang phải đối chọi với phương Tây, khó có thể chờ đón các khoản đầu tư và nhiều khả năng giai đoạn tư nhân hóa tiếp theo sẽ là bán các doanh nghiệp lớn của Nga cho nước ngoài.
Đằng sau kế hoạch bán tháo cổ phiếu các doanh nghiệp lớn của Nga ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Nga Aeroflot. (Nguồn: Bloomberg News)

Theo hãng tin Interfax, Bộ Tài chính Liên bang Nga vừa đề xuất đưa vào kế hoạch tư nhân hóa giai đoạn 2020-2022 một số tài sản nhà nước, trong đó có kênh truyền hình Kênh 1, công ty Aeroflot, tập đoàn Đường sắt Nga, công ty dầu khí Zarubezhneft và Công ty Cho thuê Vận tải Nhà nước.

Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng việc đưa những công ty này vào kế hoạch tư nhân hóa không có nghĩa là quá trình tư nhân hóa chắc chắn sẽ diễn ra trong giai đoạn 2020-2022, mà việc bán cổ phần các doanh nghiệp sẽ diễn ra "trên cơ sở các quyết định riêng của Tổng thống và Chính phủ."

Trong kế hoạch tư nhân hóa giai đoạn 2017-2019, Chính phủ Nga dự kiến sẽ bán hết cổ phần tại các doanh nghiệp như Công ty Ngũ cốc Thống nhất, công ty Cảng biển thương mại Nakhodka (NCSP sở hữu Cảng biển thương mại Novorossiysk), cũng như giảm tỷ lệ sở hữu trong Ngân hàng Ngoại thương (VTB) của Nga. Dù vậy, tính đến cuối năm 2019, các giao dịch cần thiết đã không được xúc tiến do nhiều lý do.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ phát triển Kinh tế Nga ông Maxim Oreshkin cho biết, Chính quyền đang âm thầm xúc tiến một số thỏa thuận tư nhân hóa, kể cả với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, có một loạt tài sản "sẽ trở nên tích cực cho nền kinh tế Nga," nếu chúng nhận được khoản đầu tư bổ sung từ các đối tác nước ngoài.

Cụ thể, Bộ Phát triển Kinh tế dự kiến sẽ hoàn tất việc tư nhân hóa Sovcomflot vào cuối năm 2020. Sovcomflot nằm trong kế hoạch tư nhân hóa năm 2017, song việc bán cổ phiếu đã nhiều lần bị hoãn lại. Sovcomflot là công ty vận tải bằng tàu lớn nhất nước Nga. Đội tàu của công ty gồm 146 tàu với tổng trọng tải 12,8 triệu tấn.

Năng lực chính của công ty là các tàu chở dầu. Sovcomflot sở hữu 119 tàu chở dầu, 6 chiếc nữa đang trong quá trình đóng mới. Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF), công ty này đã ký thỏa thuận thành lập liên doanh “Vận chuyển đường biển Bắc cực mới” với công ty NOVATEK, để quản lý việc đóng mới và vận hành 17 tàu vận chuyển khí đốt Arc7 phục vụ nhà máy khí đốt hóa lỏng (LNG) “Bắc cực LNG-2.”

Trên thực tế, Sovcomflot đang trở thành nhà cung cấp khí đốt duy nhất từ dự án này dọc theo Tuyến đường biển phương Bắc đến các điểm trung chuyển LNG ở Kamchatka và Murmansk.

Vậy, tại sao Chính phủ lại quyết định bán đi "những chú gà đẻ trứng vàng" này? Từ quan điểm của trường phái tự do, nếu muốn có dòng vốn đầu tư đổ vào Nga, nguồn tiền chủ yếu sẽ đến từ việc giảm tỷ trọng của doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể hơn là giảm tỷ trọng của khu vực công và tỷ lệ tiêu thụ của nhà nước. Các biện pháp như vậy được cho là thúc đẩy việc tái cấu trúc nền kinh tế Nga và phát triển kinh tế tư nhân.

Hiện nay, nếu phân tích cấu trúc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga theo nguồn gốc hình thành, khu vực công đang chiếm 60% GDP và chỉ 20% thuộc về các doanh nghiệp nhỏ. Theo quan điểm tự do cổ điển, trong tình hình này không thể thu được một khối lượng đầu tư cần thiết.

Trên thực tế, trong điều kiện Nga đang phải đối chọi với phương Tây, khó có thể chờ đón các khoản đầu tư và nhiều khả năng giai đoạn tư nhân hóa tiếp theo sẽ là bán các doanh nghiệp lớn của Nga cho nước ngoài và tại một thị trường ở mức thấp, cổ phiếu sẽ bị bán với giá rẻ.

Nhận định về việc này, nghị sỹ khóa 3 và 4 của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), Đại tá nghỉ hưu Viktor Alksnis cho rằng Nhà nước đang cần nguồn tài chính để giải quyết các vấn đề khẩn cấp cũng như để trả lương hưu hoặc đảm bảo các dự án quốc phòng.

Về lý thuyết, Nga có thể huy động nguồn tài chính này bằng cách phát triển sản xuất trong nước hoặc đưa ra các công nghệ mới. Tuy nhiên, Moskva đã chọn cách bán đi các lĩnh vực có lợi nhuận cao nhất.

Lấy hãng hàng không Aeroflot làm ví dụ, đây là một trong số những công ty nằm trong kế hoạch tư nhân hóa giai đoạn 2020-2022 của Nga vốn đang kinh doanh tốt. Theo Cơ quan Hàng không Liên bang Nga - Rosaviasia, trong nửa đầu năm 2019, các hãng hàng không Nga đã vận chuyển tổng cộng 57,7 triệu lượt khách, nhiều hơn 12% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ riêng Aeroflot đã xác lập vai trò hàng đầu của mình, với việc vận chuyển 17,8 triệu hành khách, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục