Danh sách hãng hàng không gặp khó do COVID-19 tiếp tục nối dài

Việc hầu hết các nước trên thế giới đều áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm tránh sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khiến danh sách các hãng hàng không "gặp khó" tiếp tục nối dài.
Danh sách hãng hàng không gặp khó do COVID-19 tiếp tục nối dài ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Lufthansa tại sân bay Franz-Josef-Strauss ở Munich, Đức, ngày 27/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh nhu cầu đi lại của người dân "gần như bằng 0" do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khiến hầu hết các nước trên thế giới đều áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm tránh sự lây lan của virus SARS-CoV-2, danh sách các hãng hàng không "gặp khó" tiếp tục nối dài.

Ngày 19/8, hãng hàng không Lufthansa của Đức đã cảnh báo khả năng dư thừa phi công vào năm 2021.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Lufthansa ký với Liên đoàn Phi công (VC) một thỏa thuận ngắn hạn về việc giảm lương.

Điều này có nghĩa hãng hàng không Đức sẽ không được sa thải nhân viên cho đến hết quý 2/2021.

Tuy nhiên, Lufthansa đã cảnh báo tình trạng dư thừa một lượng lớn phi công cho đến ngoài tháng 3/2021. Do đó, chỉ có việc ký kết một thảo thuận dài hạn mới có thể hạn chế được lượng phi công dư thừa.

[Triển vọng ngành hàng không toàn cầu ảm đạm trong vài năm tới]

Theo thỏa thuận giữa Lufthansa và VC, hãng hàng không này sẽ cắt giảm các khoản trợ cấp trong ngắn hạn, từ tháng 9 đến hết năm 2020 và ngừng kế hoạch tăng lương trong năm 2020 đến hết tháng 1/2021.

Trong khi đó, Chủ tịch VC Markus Wahl cho biết tổ chức công đoàn này hoàn toàn phản đối việc Lufthansa có thể sa thải nhân viên.

Đầu tháng này, Lufthansa cho biết sẽ buộc phải cắt giảm nhân sự cùng ít nhất 100 máy bay sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh theo quý ở mức thấp nhất trong 65 năm tồn tại của hãng.

Tuần trước, Lufthansa cũng thất bại trong đàm phán với Hiệp hội các đại diện nhân viên mặt đất Đức về các đề xuất cắt giảm chi phí.

Lufthansa ước tính có thể sẽ phải sa thải 22.000 nhân viên nếu nhu cầu đi lại bằng đường hàng không được dự báo tiếp tục ở mức thấp so với thời trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Cùng ngày, hãng hàng không Qantas của Australia cũng thông báo  khoản lỗ hằng năm lên tới gần 2 tỷ USD, trong khi doanh thu trong quý 2/2020 sụt giảm tới 82%.

Do phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử 99 năm của hãng, Qantas cho biết sẽ phải cắt giảm 6.000 nhân viên và "đắp chiếu" 100 máy bay trong vòng một năm.

Ban lãnh đạo hãng Qantas khẳng định dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và hãng có thể tiếp tục hứng chịu “thiệt hại đáng kể” trong năm tài chính tới.

Trong bối cảnh một số bang của Australia vẫn không cho phép đi lại lẫn nhau, Qantas không hy vọng các đường bay quốc tế có thể mở cửa trở lại cho đến giữa năm 2021.

Trong khi đó, hồi đầu tháng, đối thủ chính của Qantas là Virgin Australia cũng thông báo ngừng hỗ trợ ngân sách cho Tigerair Australia và sa thải 3.000 nhân viên khi công ty con này chuẩn bị chuyển sang quyền sở hữu của công ty Mỹ Bain Capital./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục